Vũ Thư Nguyên

Y là Nghề, Văn, Thơ, Nhạc là Nghiệp

Như Một Lần Tình Cờ

Phỏng vấn nhạc sĩ Vũ Thư Nguyên / Hà Nhật Linh thực hiện

Nguồn: Câu Lạc Bộ Thơ Nhạc Xin cám ơn anh Hà Nhật Linh, anh chị Nguyễn Hải – Hà Lan Phương và quý anh chị em trong CLB TN

( Tản mạn những tâm tình qua giòng nhạc NS Vũ Thư Nguyên )


Với sự tiến bộ vượt bực cuả khoa học ngày nay, những phương tiện truyền thông qua nhiều lãnh vực đã là một cầu nối đem con người gần lại với nhau dễ dàng hơn, chỉ cần qua một trang mạng xã hội là chúng ta đã có thể kết giao một mối liên hệ thân quen dù chưa một lấn gặp gỡ. Đó là một thế giới hoàn toàn ẢO.
Nhớ ngày đầu học mở trương mục Email, lần mò đăng nhập vào các trang Web để làm quen với anh chị em xa gần, ôi sao khó khăn đến thế. Rồi giai đoạn đó qua đi, thế là một SÂN KHẤU ẢO mở ra để mình có cơ hội khoe những bài nhạc sáng tác, đàn hát vu vơ và lại còn có cơ hội phổ nhạc qua các bài thơ cuả bạn bè trong và ngoài nước, thật đúng là một thúvị mà mình đã bắt gặp trong không gian hư ảo này. Dần dà cái tên Hà Nhật Linh được nhiều người biết đến và chia sẻ những tâm tình ân cần đầy than thiết, từ trang Trinh Nữ qua Nguyệt San Văn Hoá Hồn Quê, Nhạc Sĩ Nhật Vũ đã đưa đường dẫn lối làm quen với các anh chị em trong nhóm Nhạc Việt. Lang thang qua những con phố âm nhạc, vui chơi và để lại nơi đó những bài tình ca sáng tác, nhạc phổ thơ và những bài hát karaoke rồi lại cất bước ra đi tìm SÂN KHẤU MỚI.
Một tình cờ lại đến khi tôi dừng chân nơi ngôi làng Hát Hay Hay Hát mà mọi người đều gọi tắt là 4H, thấy những sinh hoạt nơi đây đầy náo nhiệt, ấm cúng mà dân số cũng đông, thế là làm đơn xin định cư nơi vùng đất này, cất căn chòi lý tưởng và trở thành một thành viên cuả làng.


Hơn 7 năm sinh hoạt, làm quen được nhiều người láng giềng, vui chơi ca hát thâu đêm, quen biết các nhạc sĩ nặng ký, các anh chị em Ca Sĩ NGHIỆP nào cũng có từ Dư, Thiếu, Thừa đều có cả ( hihihi ) …. Ảo đến như thế mà sao cảm nhận những thân thiết gấn gũi vô cùng. Cho đến một lần làng 4H có thay đổi về nhân sự, làng trên xóm dưới lao xao, tôi lại vác ba lô làm người lãng du đi tìm vùng đất mới và làm biếng trở về làng 4H nơi căn chòi yêu thương và bạn hữu vẫn còn đó.
Rong chơi cùng ngày tháng, lại đi du lịch qua các phố nhạc tìm nghe những sáng tác mới, một hôm đặt chân đến kinh thành hoa lệ Facebook, cảnh xô bồ nơi đây có vẻ lôi cuốn bởi một thế giới mở rộng, tuy có bề khó sống nhưng chắc cũng tìm được một mảnh đất để tiếp tục KHOE TIẾNG HÁT và ít bài nhạc tự sáng tác, thế là một kế hoạch Cắm Dùi mới lại bắt đầu và một lần nữa chọn nơi này để xây dựng cho mình một SÂN KHẤU MỚI.
Một buổi chiều mùa Thu 2015, khi trời chiều còn ươm nắng, ly cà phê sau ngày làm việc sao thơm ngát lạ thường. Lướt một vòng FB tìm nghe những bài nhạc mới cuả những Nhạc Sĩ sáng tác sau 1975, với những danh xưng mà với tôi thật là mới mẻ và lạ lẫm, chẳng biết các anh bước chân vào con đường sang tác từ năm nào như NS Nguyễn Minh Châu, Phạm Anh Dũng, Cao Ngọc Dung, Mai Anh Tuấn, Trần Hải Bằng, và nhiều,nhiều nữa nhưng có một bài hát mà khi đọc tựa đề đã làm tôi chú ý như một cuốn hút tò mò tìm nghe. Lời nhạc dễ thương, ca sĩ trình bày tuy chưađạt đỉnh điểm cuả một sự chuyên nghiệp và phát âm chưa chuẩn xác nhưng những cao trào âm vực và luyến láy lại rất ngọt ngào và ray rứt, gửi một thông điệp yêu dấu đến người nghe đầy trìu mến.

 

Thân mời quí thính giả thưởng thức nhạc phẩm Yêu Dấu Ơi nhạc và lời cuả NS Vũ Thư Nguyên qua tiếng hát ca sỉ Phạm Đình Thái Ngân.


Sau bài hát ấy, tôi lần theo đường Link tìm đến trang nhà cuả nhạc sĩ VũThư Nguyên và phát giác ra những điều kỳ thú, ngoài tài sang tác nhạc, anh còn ca những bài Karaoke thật hay, viết văn giỏi, một Biệt Tài ngoài sựtưởng tượng cuả tôi mà nhiều người vẫn gọi anh là Nhạc Sĩ ĐA TÀI, “Đa sĩ”, vì anh là một Bác Sĩ được biết đến với tên gọi Hồ Ngọc Minh là một BS chuyên khoa cấy ghép, thụ tinh trong ống nghiệm, mà tôi gọi đuà là ( Trồng Em Bé ) thế mới ghê hihihi. Muốn Hoàng tử là ra Hoàng Tử, muốn Công Chúa là ra ngay Công Tằng Tôn Nữ … chấm chấm chấm .
Mượn văn từ đùa chút cho vui trước khi trò chuyện với NS Vũ Thư Nguyên (HNL)
( Mời quí khán thính giả thưởng thức bài hát RU LỜI HƯ KHÔNG Nhạc Vũ Thư
Nguyên Thơ Phạm Ngọc – Quỳnh Lan trình bày…..)

 

Hôm nay Hà Nhật Linh hân hạnh được đón nhận một buổi hội thoại với anh và xin được chia sẻ bài viết này đến quí đọc giả xa gần như một tâm tình gần gũi, tản mạn những chuyện xoay quanh đời văn nghệ, những điềumà nhiều người chưa biết đến Nhạc Sĩ Vũ Thư Nguyên .Người được nhiều bạn bè đặt cho cái tên người Nhạc Sĩ Đa Tài.
HNL. Thưa anh Vũ Thư Nguyên, trước hết Hà Nhật Linh xin được trình bày với anh theo sự đề nghị của anh em Câu Lạc Bộ Thơ Nhạc Dallas- Fort Worth làm một bài “ Phỏng Vấn “ với chủ đề Giòng Nhạc và Cuộc đời NhạcSĩ Vũ Thư Nguyên, sau khi được anh nhận lời ( làm con thiêu thân ) và choHNL được tìm đến kho tàng âm nhạc của anh, HNL cũng thú thật là Điếc Không Sợ Súng để sớm đưa bài viết này về với Câu Lạc Bộ Thơ Nhạc vùng Dallas-Ft. Worth này . Cũng xin anh xem đây như một cuộc hội thoại trong tình thần văn nghệ thân tình và gần gũi để chia sẻ chút niềm vui đam mê âm nhạc đến với mọi người thay cho 2 tiếng Phỏng Vấn quá nặng nề đối với HNL.
Trước hết xin anh cho biết là trong môi trường nào đã thôi thúc và đưa anh đến gần với âm nhạc ?

VTN-Trước khi trả lời câu hỏi của anh, tôi cũng xin cám ơn anh và quý anh chị em trong Câu Lạc Bộ Thơ Nhạc Dallas- Fort Worth đã để ý đến những sáng tác nghệ thuật của tôi và tạo môi trường thuận lợi cho tôi được trút cái…”bầu tâm sự” nơi đây.
Mà cũng lạ là tôi cũng đã từng sinh hoạt trong các trang Trinh Nữ, Hồn Quê, và Nhạc Việt, và đã biết anh chị Nguyễn Hải & Hà Lan Phương đã lâu, mà lại không quen được anh Hà Nhật Linh mãi cho đến năm ngoái. Tuy chỉ mới chính thức biết anh, nhưng thâm tình lại dường như lâu lắm.
Trở lại câu hỏi của anh…
Tạm gọi là “năng khiếu âm nhạc” dường như được thừa hưởng từ Má của tôi.Bà cụ thường hay “hát” thơ Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) hay thơ Lục Vân Tiên cho các con nghe. Từ bé tôi đã bắt chước “hát” những câu ca dao ngắn và “chế” thêm lời vào.Những bài hát đó được trình diễn “live show” cho khách quen của ba má tôi để dược thưởng tiền quà.Sau này nghĩ lại, trên lý thuyết là tôi đã phổ thơ mà không biết.
Thú thật tôi rất “ốt dột” khi được bạn bè gán cho danh hiệu “nhạc sĩ” vì vốn liếng âm nhạc của tôi chẳng là bao.Trình độ âm nhạc của tôi chỉ thuộc vào diện học trò “hạng bét” của nhiều nhạc sĩ khác.
Một cơ may đến với tôi, năm 12 tuổi, có người hàng xóm là lính VNCH, hay chơi đàn guitar, thấy tôi thích mò mẫm với cây đàn, anh đã dạy cho tôi chơi đàn, những bài nhạc lính Bolero đi chủ âm thứ. (Có thể vì thế mà trong nhạc của tôi sau này hầu hết là chủ âm thứ và, cho dù theo thể điệu gì đi nữa đều phảng phất mùi “SẾN” trong đó). Cũng may là “thầy của tôi” chắc có căn bản nhạc lý và đã dạy cho tôi nhạc lý, những “bộ gam” một cách dễ hiểu mà tôi không hề biết. Lớn lên một chút nữa, tôi được học đàn guitarclassic, khoảng 1/3 cuốn Méthode de la Guitare by Carulli do các sư huynh trường Lasan Đức Minh dạy. Tôi cũng tập tòi đàn những bài nhạc được nhạc sĩ Đỗ Đình Phương soạn cho guitar.Trong sinh hoạt Hướng Đạo, tôi có viết một vài bài nhạc ngắn, gọi là nhạc sinh hoạt công đồng.Khoảng năm 1977, tôi viết bài “nhạc tình” đầu tiên cho một cô hàng xóm đi Thanh Niên Xung Phong. Bài đó sau này tôi và anh Phạm Ngọc viết lời trở lại và đặt tên là “Hương Giang Một Đời”.
Nói đến “Điếc Không Sợ Súng”, khoảng năm 1995 tôi khám phá ra là mình bị điếc một lổ tai bên phải, và có thể bị điếc hoàn toàn luôn lổ taibên trái vì một bướu nhỏ mọc trên dây thần kinh thính giác, có nghĩa là sẽ điếc đặc! Vì biến chứng của bướu, tôi thường hay bị chóng mặt và có khi phải bò trên sàn nhà, cũng may là tôi không phải bị mổ não để lấy khối u ra như bác sĩ dư định.Rất buồn và tuyệt vọng, tôi tập viết nhạc. Viết đại, diễn tả những cảm xúc của mình theo kiểu “hát ca dao” khi còn bé. Những bài rất buồn, là tiếng vọng từ vực thẳm của tâm hồn được viết ra trong khoảng thời gian này như “Vành Nôi Trăm Năm”, “Mặt Trời Ơi Em Đừng Bỏ Tôi Đi”…
Qua cái giai thoại học nhạc, đánh đàn, sáng tác nhạc, cũng như BẮT CHỨƠC MẸ để hát và Chế Biến thêm thắt những vần thơ …. Thì điều này đã cho thấy dưới một góc độ nào đó anh là người có năng khiếu về âm nhạc, cám ơn Trời Phật đãcho anh qua đi một biến cố lớn trong đời để hôm nay còn thưởng thức được những gìong nhạc trìu mến của mình cũng như bạn bè sáng tác, qua đó anh có thể cho biết:
Âm nhạc ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống đời thường của anh ?
VTN- Thật ra vì muốn làm vừa lòng Má của tôi mà tôi đã chọn Y Khoa là NGHỀ, nếu không thì tôi đã trở thành một văn sĩ.Nhiều bạn bè và bệnh nhân cho rằng tôi “giống một nghệ sĩ hơn là bác sĩ”.
Tuy rằng y khoa là NGHỀ của tôi nhưng âm nhạc lại là NGHIỆP. Bạn tôi, thi sĩ Nguyễn Nam An, đã tặng cho một câu, “Y là Nghề, Văn Thơ Nhạc là Nghiệp”. Mỗi một ngày, đầu óc tôi sống với những kiến thức khoa học dùng để chữa trị bệnh nhân, nhưng con tim tôi luôn luôn rung động vì những nốt nhạc.
Tôi viết nhạc để diễn tả những cảm xúc của nội tâm qua sự cảm nhận của thế giới bên ngoài.Thí dụ khi vượt biển đến Mã Lai, tôi viết một số bài với chủ đề của một người thuyền nhân phải lìa xa xứ. Những năm đầu ở Mỹ tôi tiếp tục “giòng nhạc lưu vong” và một số bài “khiến chán” được hát trong các buổi họp mặt của cộng đồng người Việt khoảng thập niên 1980.
Về tình ca, “đối tượng” cho tôi viết nhạc là tình yêu, lúc vui, cũng như lúc buồn và kể cả lúc hờn giận, với vợ của mình là Mỹ Liên. Một số bài tôi tự viết lời, một số khác tôi lựa những bài thơ có cũng tâm trạng, của một số thi sĩ nhưPhạm Ngọc, Linh Lan, Yên Chi, Cát Biển, Việt Hải, Nguyễn Nam An, Vỹ Nhi, Lâm Bích Nhy… mà tôi quen trên trang trinhnu.net,để viết nhạc.
Ngoài nhạc tình, tôi còn viết một số nhạc có tính cách tâm linh diễn tả những suy tư của tôi về sự hiện hữu ngắn ngủi trên cõi đời này.
Nói chung, cuộc sống, tình yêu vợ chồng cho tôi những cảm nhận vui buồn, đã thôi thúc tôi phản ánh lại những gì đọng trong tâm tư, trong trái tim củatôi, để gọi là trả lại cho đời, lưu lại một dấu vết gì đó, một khi tôi đã đi qua.
HNL. Những điều thú vị anh cho biết trên đây thì đúng thật Nhạc, Văn, Thơ đã đi theo anh nhiều năm tháng, từ những ảnh hưởng được truyền đạt từ mẹ qua những bài ngâm Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên cho đến những giai thoại tập đàn Guitar và sáng tác nhạc thì quả tình đó là một chiều dày trong niềm đam mê đáng ghi dấu về âm nhạc cuả anh.
Thưa anh Vũ Thư Nguyên, với HNL ( chỉ là suy luận cá nhân ) NGHỀ, đến môt lúc nào đó, người ta sẽ bỏ, có thể để hưu, có thể một sự nghiệp đã hoàn tất. Người Việt Nam mình có môt câu nói hay mà HNL rất tâm đắc là “Sinh Nghề, Tử Nghiệp” rõ ràng là CHẾT vì NGHIỆP chứ không phải  vì NGHỀ ( cười ) ….. NGHIỆP đúng là oan gia theo suốt cả cuộc đời mình cho đến CHẾT. Theo lời anh thì khởi đầu khi viết nhạc, đối tượng và niềm cảm hứng cho anh sang tác là NGƯỜI TÌNH TRĂM NĂM, là nhân vật dưạ đầu vào vai chàng để thì thầm lời yêu thương, từ điểm này HNL tin rằng đây chính là NGHIỆP rất NẶNG KÝ cuà NS Vũ Thư Nguyên.
Vậy anh có thễ cho biết một vài bài tiêu biều và ưng ý nhất trong số những bài anh đã viết  cho chị Mỹ Liên được không ?

VTN- Nếu nói như anh, NGHIỆP là duyên, là nợ, thì tôi rât may mắn và sẵn sàng TỬ vì NGHIỆP cho đến phút cuối!
Bài nhạc đầu tiên mà tôi viết cho Mỹ Liên, nhà tôi, là bài “Thu Đã Về”. Số là sau khi gặp nàng lần đầu tiên vào ngày 9/19, một tuần sau khi nghe đài radio thông báo Dallas đã vào mùa thu, tôi liền viết một bài thơ và gửi cho nàng, ký tên là Miên Linh.Bài thơ nầy sau nầy phổ thành nhạc.
Bài Nắng Hồng, tôi viết khi nhìn nàng long lanh dưới ánh nắng khi chúng tôi hẹn hò nhau lần gặp thứ nhì ở Vườn Nhật Bản tại Forth Worth.Một bài khác là bài “Thuở Ấy Mới Yêu Em” là bài nhạc tôi viết, và hát trong đêm thành hôn của chúng tôi.Bài “Đợi Em Về” được viết tại La Fayette, Louisianakhi nàng đi làm, bảo tôi ở nhà, đợi em về.Hay nói đến một bài khác là bài Mơ Thu, tôi viết cho nàng, khi phải đi học xa, tại Maryland. Còn bài “Yêu Dấu Ơi!” được anh giới thiệu ở trên được viết để kỷ niệm 15 năm thành hôn của vợ chồng tôi.
Mời thưởng thức nhạc phẩm “Đợi Em Về” Nhạc và Lời Vũ Thư Nguyên

Riêng những lúc bị vợ cho ngủ ghế xa-lông, thì tôi viết lên những bài như “Xin Đừng Tiếng Yêu Tôi”, “Triều Xưa Đã Cạn” v.v…, nghe qua tưởng chừng như một cuộc tình tan vỡ. Bà xã của tôi rất ghét bài“Đừng Nói Yêu Tôi”, “ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm”, ghét còn hơn bài “Người Yêu Cô Đơn” của NS. Đài Phương Trang mà tôi cũng hay hát những khi phải ra ngủ ngoài hiên.
Mời quí thính giả thưởng thức nhạc phẩm ĐỪNG NÓI YÊU TÔI nhạc và lời Vũ Thư Nguyên qua phần trình bày cuả Ca Sĩ: Trường Huy

 

Qua lời chia sẻ cuả anh, HNL mường tượng ra một cuộc tình đầy lãng mạn và thật đẹp như bài hát Đợi Em Về, vỏn vẹn một lời nhắn nhủ rất ngắn ngủi nhưng chắc hẳn đã làm anh cảm thấy thời gian DÀI VÔ TẬN (Hihihi), tuy nhiên như lời anh nói thì anh cũng đã sáng tác cả những bài hát trong lúc giận hờn …thật sự anh là một nhạc sĩ rất can đảm, dám xông pha trong những tình huống khi mà tình yêu đang gặp cơn thuỷ triều hờn dỗi vây quanh ( hihihi ), điều này anh phải cảm ơn Thượng đế vì ngài đã ban cho anh một đặc ân tuyệt vời làm tan biến những cơn sóng trong tình yêu bằng những khuôn nhạc đầy yêu thương và cứ như thế …sau cơn mưa trời lại RỰC NẮNG phải không anh Vũ Thư Nguyên.
Có một điều làm HNL thắc mắc là giữa 2 cái tên Hồ Ngọc Minh và Vũ Thư Nguyên.Cả 2 tên đều đẹp, đều có sự trong sáng và cũng hình như cảm giác đâu đó chút Thơ, chút Nhạc đã nằm sẵn trong đó.Cái tên cũng ảnh hưởng không ít đối với một cá nhân (theo HNL).
Có phải anh muốn dùng 2 tên này như một thông điệp truyền đạt đến mọi người một cách rõ ràng là : tên Hồ Ngọc Minh dành riêng cho công việc trong ngành Y Khoa cuả anh và tên Vũ Thư Nguyên là riêng cho lãnh vực Thơ, văn, Nhạc cuả anh ? cũng xin anh cho biết tên Vũ Thư Nguyên được lấy làm THƯƠNG HIỆU là khởi đầu từ đâu ?.

VTN- Hà hà… câu hỏi của anh về sự tích của hai cái tên Hồ Ngọc Minh và Vũ Thư Nguyên gợi cho tôi nhiều kỷ niệm vui vui. Dĩ nhiên, tên Hồ Ngọc Minh là do Ba của tôi đặt cho, thực sự ông cụ muốn một đứa con gái, nên tên dự trù là Hồ Thị Ngọc Minh. Còn cái tên kia, Vũ Thư Nguyên là tôi tự đặt lấy dựa trên bút hiệu cũ của tôi khi còn độc thân là Như Nguyên. Số là khi “chưa gặp em”, tôi cũng đã dùng hai tên riêng biệt: khi viết bài y khoa hay bình luận quan điểm về chính trị thì tôi ký tên là “Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh”, còn khi viết văn và làm thơ thì dùng tên “Như Nguyên”. Có một cô độc giả ở New Orleans, tuy thích thơ và truyện của Như Nguyên vì…”dễ thương”, nhưng lại ghét ông “BS.Hồ Ngọc Minh” hách dịch, kiêu căng.Sau nầy cô ấy tình cờ gặp Như Nguyên ở Dallas và gặp luôn ông Minh dễ ghét ấy.Ghét của nào trời trao của đó, cô ấy thành… bà xã của tôi suốt gần 30 năm đến bây giờ. Thi sĩ Nguyễn Nam An có tặng chúng tôi một bài thơ:
“Khi xưa anh là Như Nguyên,
Uyên theo iên, rồi iên iêu uyên,
Uyên với iên, iên và uyên, uyên-iên,
Bây giờ anh thành Vũ Thư Nguyên!”
Tên Vũ Thư Nguyên là tên ghép từ tên của ba cháu của chúng tôi, Tuấn Vũ, Anh Thư, và Nguyên Vũ. Cũng là ngẫu nhiên, ba chữ tắt VTN lại trùng cho Văn, Thơ, Nhạc. Cái tên này cho phép tôi được gần gũi và hoà đồng với các anh chị em trong giới văn nghệ, vì có thể cái tên Hồ Ngọc Minh tuy cũng đẹp nhưng…dễ ghét hơn.
Cám ơn anh đã cho biết nguồn gốc của cả 2 tên gọi Hồ Ngọc Minh và Vũ Thư Nguyên cũng như cuộc TÌNH đầy lý thú đến và giao phó cho anh GÁNH NẶNG đầy gian nan này. (hihihi)

 

 

 

Với khoảng thời gian dài sáng tác, xin anh cho biết đã có bao nhiêu CD Tình Ca – Vũ Thư Nguyên được phát hành và dựđịnh cuả anh trong tương lai với những đứa con tinh thần âm nhạc cuả anh ?
VTN-Khởi đi từ những bài đầu tiên viết cho vợ mình, tôi đã viết ngót nghét được trên dưới 200 bài nhạc, nhưng thật ra chỉ có 4 CD thôi anh: Thưở Ấy Mới Yên Em, Ru Lời Hư Không, Nắng Hồng, và Vành Nôi Trăm Năm. Như đã trình bày, tôi không hề nghĩ mình là nhạc sĩ, tôi viết là viết tuỳ theo cảm xúc của mình, đụng đâu “giết” đó, viết đủ thể loại, vừa viết vừa học, vừa chữa những chỗ “ngu” của mình. Những bài đầu, có người nhận xét, mang âm hưởng của một số nhạc sĩ thành danh như Cung Tiến, Từ Công Phụng…thí dụ như bài “Sầu Trăng Đã Tương Tư”, có thể là vì tôi thích nghe nhạc của những người này. Lúc sau này, nhạc của của tôi bắt đầu mang sắc thái riêng của chính tôi, như bài “Cầu Vồng Tình Yêu” chẳng hạn.
Thú thật cũng không có một định hướng gì rõ rệt cho “những đứa con tinh thần” của mình. Theo tôi thời kỳ cực thinh của CD đã qua rồi, vì thế hầu hết nhạc của tôi chỉ được đăng trên YouTube và trên Internet. Cũng như những đứa bé con mà tôi giúp đỡ chào đời, hy vọng trong tương lai khi chúng lớn khôn sẽ còn nhớ đến tôi; với những đứa con tinh thần âm nhạc,tôi mong ước một ngày nào đó, khi tôi đã “đi qua”, sẽ có một người nào đó sẽ “cúi nhặt, những note nhạc vô tình trên net, bỏ quên!” Tất cả, sẽ là những dấu vết mà tôi lưu lại với đời bên cạnh ba dứa con thương yêu của tôi, Vũ, Thư, và Nguyên.

Mời thưởng thức bài hát QUA, Trình Bày Cẫm Vân, Hoà Âm Cao Ngọc Dung

 

Càng nói chuyện với NS/Vũ Thư Nguyên, HNL càng khám phá ra những điều thú vị như chuyện cô đọc giả YÊU NHẦM người 2 TÊN (may không là người 2 mặt Hihihi) để rồi 30 năm gắn bó và lúc nào cũng nở trên môi nụ cười xinh xắn cho đến cái tên Hồ Thị mà cuối cùng ông cụ phải ngậm ngùi XOÁ SỔ chữ THỊ như mong ước và trớ trêu cái tên ghép cuả 3 người con yêu quí Vũ, Thư, Nguyên phải theo BA cho hết cuộc đời sang tác Văn, Thơ, Nhạc …..Đây là một niềm hạnh phúc lớn lao không phải ai cũng có được. Phải là HNL thì đã ghép luôn cả tên người GHÉT mình vào đó cho ra cái tên “ Liên Vũ Thư Nguyên” mất rồi (hihihi)…..Đuà với anh chút cho vui.
Hẳn nhiên, Còn rất nhiều điều muốn hỏi nhưng vì thời gian bận rộn cuả anh nên đành khép lại cuộc hội thoại hôm nay, tuy nhiên một câu hỏi sau cùng và rất riêng tư mong rằng anh sẻ không ngại chia sẻ về đời sống gia đình anh.
HNL- Anh rời VN năm nào? Định cư tại Hoa Kỳ với những biến chuyển đời sống ra sao và vì sao anh chọn vùng S. Diego làm nơi dừng chân sinh sống ?
VTN – Năm 1979 làm thuyền nhân vượt biển một thân, một mình đến Mã Lai và định cư tại thành phố Miami, Florida. Như rất nhiều người Việt đến Mỹ thời đó, tôi đi làm thợ sơn, nhân viên lấy máu ở bệnh viện và dạy kèm tư gia để đi học. Thì giờ rảnh thì viết nhạc, viết báo lai rai,  cộng tác với các báo như Văn, Văn Học, Lửa Việt (Canada), Thân Hữu (do một nhóm kỹ sư của hảng General Dynamics ở Dallas – Fort Worth chủ trương), ký tên Hồ Minh Ngọc hay Như Nguyên, là tên của người chị gái đã mất vì lạc đạn trong biến cố Tết Mậu Thân tại Huế. Những bài đăng trên báo Thân Hữu đã may mắn lọt vào mắt xanh của Mỹ Liên, vợ tôi bây giờ.
Về nghề nghiệp, tôi đang học tiếp học trình Kỹ Sư Thuỷ Điện vì đã học ở Việt Nam, thì năm 1982 được nhận vào trường Y Khoa. Năm 1986, tôi tốt nghiệp Y Khoa tại University of Miami, Florida.Sau đó tôi đi Dallas và tốt nghiệp chuyên khoa Sản Phụ Khoa năm 1990 tại Parkland Memorial Hospital Dallas Texas.Tại đây tôi gặp được Mỹ Liên qua sự giới thiệu của người bạn là chủ biên của tờ Thân Hữu.
Năm 1990, chúng tôi dọn về San Diego, một phần vì khí hậu và văn hoá thích hợp cho các cụ bố mẹ hai bên. Sau đó tôi đi học tiếp, và tốt nghiệp chuyên khoa Hiếm Muộn, Thụ Thai Nhân Tạo năm 1994 tại National Institutes of Health.

Tản mạn những giây phút nói chuyện cùng NS/ Vũ Thư Nguyên, mong rằng đây là một tâm tình rất gần gũi và mở rộng sự chia sẻ cũng như giới thiệu giòng nhạc cuả NS/ Vũ Thư Nguyên đến gần với mọi người hơn.
Hà Nhật Linh xin thay mặt cho anh chị em Câu Lạc Bộ Thơ Nhạc vùng Dallas & Forth Worth chân thành cám ơn NS/ Vũ Thư Nguyên đã dành thời gian quí báu, không ngần ngại, không suy tư, và nhiều cái KHÔNG khác nữa để tâm tình những điều rất thật, vui và đầy thân thiết để HNL hoàn thành bài viết hôm nay. Thân chúc NS/ Vũ Thư Nguyên những ngày tháng bình an, thuận lợi và tràn đầy hạnh phúc mong rằng tình yêu luôn là động lực đem nguồn cảm hứng sáng tác đến những bài tình ca cuả anh trong tương lai.
Chân thành cám ơn và kính chào.
VTN- Xin chân thành cám ơn anh Hà Nhật Linh, quý anh chị trong Câu Lạc Bộ Thơ Nhạc Dallas- Fort Worth và quý độc giả, khán thính giả.
Thân mời quí khán thính giả vào trang nhạc cuả NS. Vũ Thư Nguyên, để thưởng thức những Tình khúc Vũ Thư Nguyên:
https://www.youtube.com/channel/UCZfWrk_2v3EVY1Z1jRU4PKA
https://www.facebook.com/vuthunguyen.music/
http://www.vuthunguyen.com/
và  trang web của BS. Hồ Ngọc Minh để đọc những bài viết hữu ích cho sức khoẻ, đời sống gia đình v.v…
https://www.facebook.com/drminhho/
http://bacsihongocminh.com/

Next Post

Previous Post

© 2024 Vũ Thư Nguyên

Theme by Anders Norén