Vũ Thư Nguyên

Y là Nghề, Văn, Thơ, Nhạc là Nghiệp

Âm nhạc không biên giới – Nhạc trong giới Bác Sĩ Y Khoa

 

 Bác Sĩ Nguyễn Văn Bích

 

Văn nghệ sĩ trong giới Y Khoa ngày nay, nói riêng trong lãnh vực âm nhạc, càng ngày càng đông , càng ngày càng nở rộ. Trước năm 1975 ai cũng biết đến ca sĩ Trung Chỉnh, anh là một Bác Sĩ Y khoa hiện nay đang hành nghề tại California, và vẫn xuất hiện trên những chương trình DVD nhạc  của Asia và Thúy Nga Paris. Bích Liên là một giọng ca thính phòng rất quý giá ở California, chị vẫn hay xuất hiện trong những chương trình nhạc của ban Ngàn Khơi, chị là một Bác Sĩ chuyên môn về bệnh Ung Thư ở Nam California. Các nghệ sĩ trình diễn thường dễ được biết đến nhưng các nhạc sĩ viết nhạc thì thường ít được biết đến hơn. Giới Y Khoa cũng có nhiều nhạc sĩ sáng tác, và nhiều khi chính quý bạn đã nghe và thích nhiều bài hát hiện đang lưu hành mà không biết rằng bài hát đó có thể là của một Bác Sĩ đã sáng tác ra. Bài viết này được viết để giới thiệu đến quý vị những nhạc sĩ sáng tác trong giới Y Khoa hiện nay.

 

Vũ Thư Nguyên :

 

Vũ Thư Nguyên là bút hiệu của Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh, một Bác Sĩ chuyên khoa chuyên chữa trị bệnh hiếm muộn ở Los Angeles. Bút hiệu của anh là tên của  ba người con gộp lại. Vũ Thư Nguyên sáng tác từ thời mới 19 tuổi, nhưng thời kỳ sáng tác nở rộ là từ năm 2002, thời kỳ anh tràn trề hứng thú viết nhạc để kỷ niệm 15 năm ngày thành hôn của vợ chồng anh.

Vũ Thư Nguyên sở trường về Guitar, sau này anh lai thích xử dụng Keyboard và anh đã dùng những nhạc khí này để viết nhạc. Vũ Thư Nguyên có một lối viết nhạc rất phóng túng,. Nghe nhạc của Vũ Thu Nguyên hiếm khi thấy giống nhau. Anh có khả năng viết đủ mọi lọai nhạc, từ nhạc dân ca, Quan Họ, Chèo cổ đến nhạc thính phòng, nhạc Rock, nhạc Jazz, nhạc Blue. Anh đã sáng tác được khỏang hơn 300 bài trong đó 1/3 bài do anh tự viết lời và 2/3 bài là nhạc phổ thơ. Vũ Thư Nguyên có 30 bài đã được thu CD . Những CD đang có trên thị trường là “ Thuở Ấy Mới Yêu Em” và “ Ru Lời Hư Không” và anh đang dự định sắp cho ra những CD mới trong dịp Giáng Sinh năm nay (2006).

Bài nhạc của Vũ Thu Nguyên được ưa thích nhất là bài “Chút Tình Với Huế “ mà theo anh cho biết thì đã có hơn 200,000  thính giả down load  để nghe bài này từ website của anh trong năm qua. Một bản nhạc khác cũng được ưa thích nữa là bài “ Nghe Tiếng Suối Đời Gọi Dưng Dưng “ một bài nhạc Jazz, đã có 100,000 người nghe. Nhạc Vũ Thư Nguyên nổi bật ở điểm không bị lập lại và đa dạng. Quý vị có thể đang thấy mình ở bến nước Cần Thơ, phút chốc lại thấy mình ở Bắc Ninh, hoặc ở Argentina, hay ở Saigon, trong hộp đêm, trên sân khấu đại nhạc hội, hoặc ở New York, nơi Piano Bar…Nghe nhạc Vũ Thư Nguyên không thấy chán vì mỗi bài một vẻ, và bài nào cũng lạ, cũng mới, bắt tai, và cũng dễ bị lôi cuốn cả.

Khi được hỏi “ Điều gì làm anh thích thú nhất trong qúa trình viết nhạc ? “ anh cho biết “ Giải sầu, mang niềm vui tới cho thiên hạ, nhắn gửi “ tâm sự gửi về đâu”

Vũ Thư Nguyên có nhiều bài nhạc rất xuất sắc, xin vào website www.vuthunguyen.com  để hiểu thêm về Vũ Thư Nguyên , nghe thêm nhạc, và cùng với 2000 đến 5000 người khác hàng ngày vẫn viếng thăm website này để chuyện trò cùng Vũ Thư Nguyên, xem những lời bàn thảo của thính giả về nhạc Vũ Thư Nguyên, và cũng để biết thêm về những họat động văn hóa khác của anh.

 

 

Khanh Phương :

 

Khanh Phương là bút hiệu viết nhạc của Bác Sĩ Trần Văn Khang, một Bác Sĩ gia đình tại San Diego. Cũng như Vũ Thư Nguyên, bút hiệu Khanh Phương là tên ghép hai người con của Bác Sĩ Khang.. Khanh Phương viết nhạc từ năm 1998, anh xử dụng Piano để viết nhạc, chị Khang là một chuyên gia về computer , đã giúp anh nghe lai những sáng tác của anh qua midi trên computer để edit nhạc. Khanh Phương đã viết được trên 40 bản, chỉ có hai bài là phổ nhạc từ thơ các bạn bè còn thì anh viết lời lấy cả. Anh tâm sự rằng   “Viết nhạc và lời được tự do hơn, phổ thơ thường bị gò ép với lời thơ nên bị giới hạn nhiều lắm”. Và qủa thật, nhạc Khanh Phương phóng túng , lãng mạn và tự do bay lượn  như gió qua thung lũng vàng vậy.

Khanh Phương đã có hai CD. “Để Mình Mãi Yêu Nhau”  mười nhạc khúc Khanh Phương, được phát hành năm 2002. và CD “ Trở Về Phố Xưa “ gồm 11 ca khúc, phát hành năm 2003. Khanh Phương đang sửa sọan cho phát hành một DVD Karaoke “ Trở Về Phố Xưa “ vào mùa xuân sắp tới. Bài nhạc được thính giả yêu thích nhất là bài “ Để Mình Mãi Yêu Nhau” một bài nhạc anh viết để tặng chị, và bài “ Luân Vũ Ngày Tân Hôn” anh viết để tặng cháu của anh nhân ngày cưới của cháu. Bài “ Tiếng Đàn Xưa “ là bài thứ ba trong danh sách những bài nhạc được thính giả yêu chuộng nhất.

Khanh Phương có nỗi đam mê vô cùng tận với âm nhạc. Anh tâm sự rằng “ Niềm thích thú nhất của anh trong sáng tác nhạc là được diễn tả tình cảm, sự rung động của mình bằng cả lời nói , âm thanh và tiết điệu. Thơ thì có nhiều vần điệu nhưng lại cô đọng và không phong phú về âm thanh. Văn thì diễn dịch, nói được nhiều ý nhưng không có âm thanh, cũng không cần tiết điệu “.

Muốn biết thêm về Khanh Phương, muốn nghe nhạc Khanh Phương, muốn trò chuyện cùng Khanh Phương xin quý vị ghé lại http://honque.com, chọn mục CD mới, tìm “CD Để Mình Mãi Yêu Nhau, Tình khúc Khanh Phương”. Hoặc Dactrung.net, chọn mục “Nhạc” rồi chọn mục “Xếp Theo Nhạc Sĩ”, chọn chữ K , sẽ thấy Khanh Phương, và quý vị thỏai mái thưởng thức những ca khúc mặn mà, trữ tình của Khanh Phương. Quý vị cũng có thể  e-mail cho Khanh Phương tại kvtmd@aol.com , hoặc viết thư gửi đến

Trần Văn Khang, MD    6947 Linda Vista Rd Suite A .  San Diego, CA 92111

 

Nguyễn Đình Phùng

 

Nguyễn Đình Phùng là Bác Sĩ Nội Khoa chuyên về Di Ứng và Suyễn, đang hành nghề tại Houston, Texas. Nguyễn Đình Phùng bắt đầu sáng tác từ những năm 1986. Anh là một tay Guitar rất có tiếng tăm, cả phần độc tấu cổ điển (rất thích nhạc Tarrega) lẫn nhạc đệm tân nhạc, sau này anh lại chơi Keyboard, và vì thế, anh dùng lúc thì Guitar lúc thì  Keyboard để sáng tác, tùy theo hứng thú.

Nguyễn Đình Phùng đã sáng tác được trên 50 ca khúc, đa số là tự viết lấy lời, một số ít bài là nhạc phổ thơ. Khi được hỏi “Anh thường hay viết lời trước hay nhạc trước” anh cho biết “Thường thì viết nhạc và lời cùng một lúc, chỉ thỉnh thỏang mới viết nhạc hoặc lời trước mà thôi”.

Nguyễn Đình Phùng đã có 5 CD trên thị trường :

1-CD “Định Mệnh” 1998 (Ý Lan, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Thái Hiền)

2-CD “Dạ Khúc” 1999 (Tuấn Ngọc, Thái Hiền)

3-CD “Tình Sử” 2000 (Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Huy Ngọc )

4-CD “Ý Biếc “ 2002 ( Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Vũ Khanh)

5-CD “Ảo Mộng” 2005 (Thái Hiền, Tuấn Ngọc).

Và anh còn có ba tập nhạc đã được xuất bản : “ Tình Khúc “ 1989, “ Dạ Khúc “ 1991 và “ Nhạc Khúc Nguyễn Đình Phùng “ xuất bản năm 2002.

Những bản nhạc được ưa chuộng thì nhiều lắm, nhưng đáng kể nhất là “Tìm Em “ do Ý Lan hát. “Đêm sao”, “Đêm Hòai Vọng” và “Sầu Ý Biếc” do Tuấn Ngọc hát  là được chú ý hơn cả. Nhạc Nguyễn Đình Phùng thiên về hình thức cổ điển, thế nhưng có những bài như “Sầu Ý Biếc” và “ Đêm Hòai Vọng” lại có âm hưởng nhạc Jazz !

Với Nguyễn Đình Phùng, niềm thích thú trong sáng tác là ở chỗ đã sáng tạo được một điều gì mới.

Muốn  hiểu thêm về nhạc  Nguyễn Đình Phùng ? Xin quý vị tìm những CD này trong các tiệm CD Việt Nam, hoặc thư về Nguyễn Đình Phùng , MD  2905 Milam, Houston Texas 77006.

 

Phạm Anh Dũng

 

Phạm Anh Dũng là Bác Sĩ gia đình  tại Santa Maria, California. Anh có lẽ là vị Bác Sĩ sáng tác nhạc được nhiều người biết đến nhất, không những vì nhạc hay, sáng tác nhiều mà còn vì những họat động văn nghệ rất sinh động tại California và trên Internet.

Phạm Anh Dũng bắt đầu sáng tác nhạc từ lúc còn rất trẻ, năm 1965. Anh sở trường về Guitar và đây cũng là nhạc cụ anh đã dùng để sáng tác. Anh đã viết được hơn 300 ca khúc , khỏang 100 bài viết cả nhạc lẫn lời, 200 bài kia là nhạc phổ thơ.

Phạm Anh Dũng  đã có một “kho tàng” rất lớn trong lãnh vực CD đã được phát hành : 10 CD đã ra mắt , sắp có một CD sẽ ra mắt tại Seattle vào ngày 16 tháng 12 năm 2006 ( CD “Tình Là Hư Không, Xuân Thanh 2”) và anh còn 3 CD nữa dự định sẽ phát hành.(Mưa, Mưa…, Dòng Sông Đứng Lại, (Chung với Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm), Em Và Mẹ. ). Ngòai những CD thuần túy nhạc Phạm Anh Dũng ra còn có nhiều bài nhạc đơn lẻ được thu thanh trong nhiều CD khác nhau. Phổ thông nhất là “Đêm Đông, Trần Thái Hòa” “ Yêu Em Và Yêu Em, Vương Đức Hậu” .

Những CD đã có mặt trên thị trường ( mà quý vị có thể tìm thấy trong bất cứ một tiệm CD Việt Nam nào) :

  • Tình Khúc Hồi Hương
  • Đưa Người Về Phương Đông (Duy Trác, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, Mai Hương, Thiên Phượng, Thái Hiền, Lệ Thu..)
  • Tình Bỗng Khói Sương
  • Quên.
  • Nắng Mùa
  • Dạ Quỳnh Hương
  • Với Quỳnh
  • Nghiêng
  • Mùa Xuân Thung Lũng Hoa Vàng (Chung với Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm)
  • Nhạc Phổ 9 Bài Thơ Lưu Vong (Xuân Thanh 1 )

 

Bài nhạc được thính giả ưa chuộng nhất là bài “Dạ Quỳnh Hương” do anh phổ thơ của Hòang Ngọc Quỳnh Giao, một thi sĩ, họa sĩ và cũng là một Bác Sĩ, một nhạc sĩ. Bài nhạc này đã có một con số kỷ lục về người nghe và khen ngợi. Bài này cũng có một con số kỷ lục về số ca sĩ đã thâu CD nhạc Phạm Anh Dũng. Trần Thái Hòa đã thâu âm bài này trong CD “Đêm Đông” của anh, và trên web site của Trần Thái Hòa, anh đã bộc lộ rằng bài này là một trong hai bài anh thích nhất từ trước đến nay. “Dạ Quỳnh Hương” cũng đã lôi cuốn được 5-6 ca sĩ khác thâu âm, từ Mỹ Châu, đến Âu Châu và Á Châu.

Bài nhạc “Gọi Mùa Thu Mơ”, lời và nhạc Phạm Anh Dũng do Duy Trác hát đã một thời được phát đi phát lại mãi trên các đài phát thanh Việt Nam ở Houston.

Bài nhạc “Tình Là Hư Không”, lời và nhạc của Phạm Anh Dũng cũng là một trong những Top Hits của anh.

Phạm Anh Dũng tỏ ra có rất nhiều khả năng trong sáng tác. Những tác phẩm đầu tiên của anh nghe như nhạc tiền chiến, sau này lại thấy anh viết nhạc Blue. Bản nhạc “Nghiêng” nghe rất nghiêng và rất Blue (lời một thính giả trên internet). Một lần khác anh lại cho trình làng một lọat nhạc …Huế ! Những bài như “ Huế Buồn Chi “ “ Bài Thơ Tôn Nữ “ “ Huế Tình Xanh Muôn Thuở “ được rất nhiều thính giả tán thưởng ! Một điều làm nhiều người ngạc nhiên nữa là anh còn viết được nhạc có âm hưởng Quan Họ Bắc Ninh ! Bản nhạc “Quên” là một trầm trồ xôn xao của những thính giả thường theo dõi nhạc Phạm Anh Dũng.

Phạm Anh Dũng bận rộn về đời sống hằng ngày của một Bác Sĩ, lại nhiệt tình với những họat động văn nghệ trong cộng đồng, vậy mà anh vẫn hăng say sáng tác, vì theo anh, sáng tác là tình cảm được viết thành nhạc và gửi gấm đến tri âm.

Phạm Anh Dũng có rất nhiều nhạc đã được thu âm. Anh cũng có một website riêng, xin vào website này để nghe nhạc Phạm Anh Dũng, xem những bài viết của anh, đọc thơ của anh, hoặc chuyên trò cùng Nhạc Sĩ Phạm Anh Dũng.

Trang Nha`: http://www.saigonline.com/phamanhdung/

Email: phamanhdung1@yahoo.com

 

Văn Sơn Trường

 

Văn Sơn Trường là Bác Sĩ Nội Khoa, hiện hành nghề tại Virginia. Văn Sơn Trường bắt đầu viết nhạc từ lúc mới 17 tuổi. Anh viết một bài điệu Bolero Rumba, rồi vì hồi đó không có phương tiện để phổ biến nên bài nhạc bị chìm dần vào quên lãng, cho mãi đến gần đây, Văn Sơn Trường mới có cảm hứng sáng tác lại và anh đã viết được 7 bài. Văn Sơn Trường chơi Guitar, và Keyboard và vì thế Keyboard là khí cụ chính để anh viết nhạc. Văn Sơn Trường vừa sáng tác nhạc, vừa viết lời, nhưng thỉnh thỏang cũng có phổ thơ.

Bẩy bài nhạc sáng tác, một bài đã được xuất hiện trong CD “Đi Với Tôi “ của nữ ca sĩ Bạch Yến (Paris) vừa được phát hành vào tháng 8 năm 2006. Bài nhạc này có tựa đề “Yêu Anh Em Hỡi“ và cũng là bài  được nhiều người ưa thích nhất. Nhạc Văn Sơn Trường nhẹ nhàng, trong sáng, tươi vui, hiền hòa. Cấu trúc bài nhạc của anh tuy vẫn nằm trong khuôn khổ cổ điển nhưng dòng nhạc như suối chẩy của anh không dễ đóan trước được, và có lẽ đây cũng là điểm nổi bật, làm cho nhạc Văn Trường Sơn có một chỗ đứng riêng trong làng nhạc Việt Nam. Ai đã được nghe nhạc Văn Sơn Trường đều thấy quý dòng nhạc êm dịu ngọt ngào này cả.

Điều anh cảm thấy thích thú trong sáng tác là mình biết được có một thú đam mê mới và một cái tài mọn cần phải được khai triển, và, khi mà có một sáng tác mới được thính giả nghe và yêu thích, thì quả là một hạnh phúc hết sức lớn lao.

Nhạc Văn Sơn Trường không nhiều, nhưng dễ thương và êm dịu. để nghe những nhạc phẩm hồn nhiên hạnh phúc này, xin vào web site www.VietDC.Org , chọn Phần Nhạc, là quý vị sẽ thấy những sáng tác của Văn Sơn Trường. Quý vị cũng có thể trò chuyện cùng Văn Sơn Trường qua e-mail  vstruong@aol.com

 

 

 

              

 

Next Post

Previous Post

© 2024 Vũ Thư Nguyên

Theme by Anders Norén