Vũ Thư Nguyên

Y là Nghề, Văn, Thơ, Nhạc là Nghiệp

Thì Thầm Mùa Đông

snow-path

(Ngụ Ngôn Mùa Đông – Vũ Thư Nguyên)

Tôi buông quyển sách đang đọc xuống bàn khi cặp cửa chính dẫn vào phòng sập xòe rung động. Sau khe cửa hé hé mở, cái lưng còng quen thuộc của ông già Carlos từ từ xuất hiện, như một người nghệ sĩ e dè thậm thò bước lên sân khấu. Người đàn ông đã lùn, khom lưng kéo một vật nặng từ sau đôi cánh cửa, làm ông già có vẻ lùn hơn chút đỉnh. Tội nghiệp. Tôi bước vội đến giữ cánh cửa cho người lao công bệnh viện.

– Gracias, doctor.

Carlos ngẩng đầu, hàm răng xiêu vẹo và nụ cười khờ khệch, miệng hả to với hơi rượu nồng nặc. Qua những nếp nhăn kẻ thành rãnh sâu trên vần trán thấp với làn da dày đỏ đậm như nương rẫy của vùng cao nguyên đất đỏ, tôi thoang thoảng thấy nét những người thổ dân Mễ gốc da đỏ lang thang bán hàng rong trên đường phố Ensenada hôm cuối tuần.

– Que étas haciéndo a qui Carlito?
– Ðể dành ngày mai, doctor. Y usted?

Như không hài lòng với tiếng Tây Ban Nha nặng mùi Việt gốc Quảng Nam của tôi, Carlos trả lời bằng tiếng Anh pha giọng Mễ, những chữ “r” rung lên rần rật, âm hưởng nặng hơn người dân Thừa Thiên. Già Carlos làm tôi nhớ đến ông Sáu người ở miệt Truồi hay Bao Vinh gì đó. Năm lên chín, tôi mê những chuyện kể của ông những khi ông Sáu đã ngà ngà say trong hơi rượu đế. Những chuyện làm tôi hoang mang không ngủ hằng đêm nhưng vẫn thích nghe mỗi chiều khi ông đi làm sở Mỹ về. Ông Sáu làm nghề mổ xác lính Mỹ. Ông kể, công việc của ông là tắm rửa xác những người lính Mỹ tử trận trước khi cho vào hòm chở về Mỹ. Có khi ông phải mổ lấy bộ đồ lòng, rửa sạch, kế đến khâu bụng người chết lại bằng chỉ may bao bố, cho khỏi thối. Dù mẹ tôi vẫn cấm không được đến gân ông Sáu say, tôi vẫn lẩn quẩn quanh ông vì lúc nào ông cũng có quà cho, khi thì thỏi kẹo cao su, lúc một quả táo mà ông đã lén dúi vào túi xách. Ðã nhiều lần, tôi ngần ngại nhận quà từ tay ông. Bàn tay đã móc ruột những người lính Mỹ. Có bữa ông đem về nhà một khúc thịt bò to tổ đem cho hàng xóm. Cứ tưởng ấy là khúc đùi của một người lính nào đó, tôi lợm giọng đến mấy ngày sau.

Ừ, tôi làm gì ở đây nhỉ? Ðịnh trả lời câu hỏi của già Carlos, nhưng cái vật nặng mà ông đang ì ạch kéo vào phòng làm tôi im bặt. Ðó là một chiếc xe băng ca mà già Carlos vẫn đón những người bệnh vừa mới qua đời từ những trại bệnh. Có ngày không có mạng nào, có bữa bốn năm là thường. Lặng lẻ nhìn già Carlos kéo chiếc băng ca, khăn ra trắng phủ kín đi qua mặt, tôi dửng dưng, thêm một mạng nữa. Ai sinh ra thì cũng phái chết, có thế thôi. Tôi không buồn nhìn mặt người quá cố khi già Carlos chuyển các xác ấy vào ngăn kéo. Tôi đã quen, đã chai lì. Trước sau gì thì chúng tôi cũng biết nhau thôi. Biết từ trong ra ngoài, từ những buồng phổi lạnh trơ, những nảo bộ giờ đây vô tri vô giác, đến những mạch máu giờ đây khô cạn. Thêm một cái xác được đút vào ngăn tủ lạnh. Những cái huyệt nổi với những hộc tủ lớn được xây chìm vào khoảng tường lớn nhất của căn phòng rộng, và những cái xác đóng băng tím rịm. Thật ra, công việc của tôi ngày nay không khác già Sáu ngày xưa là bao. Mổ giảo nghiệm tử thi. Nghĩ cũng buồn cười, sau bao năm trường thuốc, tôi lại đi làm cái nghề mổ xác chết. Ðiều quái dị là tôi lại say mê cái công việc của mình làm. Như một nhà khảo cổ, tôi hì hục đào bới, mổ xẻ, cố đoán biết ít ra một phần đời sống của người đã đi qua. Lắm lúc chỉ là những võ đoán mơ hồ.

Ðóng mạnh hộc tủ, già Carlos quay lại:

– Bác sĩ chưa về sao. Ðã hơn mười giờ đêm rồi.
– Tôi chờ đến khi tuyết ngừng rơi.

Khoanh tay, tôi phóng tầm mắt ra ngoài khung cửa sổ. Màn đêm mù mịt những bụi tuyết lất phất bay. Tôi nhớ những ngày mưa phùn rĩ rả ở Huế năm xưa, tôi đã ngồi lì bên khung cửa sổ, co ro trong chiếc áo len màu tím sẫm.

– Biết bao giờ tuyết mới ngừng rơi. Bác sĩ nên về nghỉ, ngày mai còn làm việc nữa chứ.
Già Carlos ngập ngừng. Ông già tuy chất phát, nhưng cũng khá nhạy cảm. Tôi tiếp lời:

– Tôi không có gia đình, có ai đâu mà về cho sớm. Ông nên về trước đi.
– Bác sĩ có cần quá giang xe của tôi không?

Ông già ngần ngừ giờ phút chót. Tôi lắc đầu quả quyết:

– Không. ông cứ đi.
– Si. Usted.
Tôi đã nói dối. Khi già Carlos vừa đi khỏi, tôi lại thấy mình cô quạnh trong cái nhà xác vắng ngắt nầy. Tiếng thời gian bò ì ạch trên vách tường, lê mình qua một ngày mới, hòa nhịp cùng tiếng nước nhỏ đều trên cái mâm thau của chiếc bàn mổ làm tôi khó chịu. Một chút máu bầm loang loáng chảy xuống ống rút nước mang theo một vài mảnh da nhỏ, trả về với cát bụi. Tôi như nghẹn thở, bủa vây trong sự dẫy chết lần mòn của thời gian. Cái cảm giác bồn chồn, xót ruột gan của một người đau bao tử kinh niên sắp nôn oẹ xuống sàn nhà. Phải về thôi. Tắt đèn, tôi bước xuống hành lang. Cơn gió lạnh xoáy rào rào vào mặt những bụi tuyết mỏng manh, khi tôi vừa bước chân ra khỏi cửa bệnh viện. Tôi tiếc rẻ, nguyền rủa chính mình đã không quá giang xe già Carlos. Tuyết khắp mọi nơi. Nhìn chiếc xe đạp của tôi nằm cong queo, lạnh cóng bên chân trụ đèn, dưới ánh đèn đường leo lét của sân bệnh viện, tôi ái ngại. Giờ nầy có khùng mới đi xe đạp về nhà. Thôi kệ, bỏ xe đạp ở lại sở, cuốc bộ về có lẽ an toàn hơn. Kéo chiếc mũ áo khoác trùm kín đầu, thọc tay sâu vào túi quần để tìm hơi ấm, tôi lao đầu vào màn đêm đầy bụi tuyết.

Con đường từ chỗ làm về nhà không xa lắm. Tôi vẫn thường đi bộ hoặc đi xe đạp để đi làm hằng ngày. Với cơn bão tuyết bất ngờ, con đường quen thuộc khi sáng giờ đây trở thành xa lạ. Những đám cây khô co ro, rũ rượi chôn chân, bất lực trên nền tuyết trắng xóa lồi lõm, gập ghềnh khắp sườn đồi. Xen kẽ, vài đám thông già vẫn sừng sững thách đố, nhắc cho tôi nhớ rằng chỉ có tôi với cuộc đời nầy là ngắn ngủi, là mỏng manh như bụi tuyết kia đến, rồi đi. Tôi đi bộ ra phía lòng đường, một phần sợ vi phạm, dẫm lên lớp tuyết mềm, còn trắng trinh nguyên, phần khác giờ nầy cũng chẳng còn xe cộ qua lại. Mọi người đã về nhà quây quần với gia đình từ lúc chiều, không có ai như tôi, gần mười hai giờ đêm Giáng Sinh lại lội tuyết lang thang ngoài trời như thế nầy.

Tôi lầm.

Chập chờn trên tuyết trắng, trước mặt mươi bước, một chiếc áo đi mưa màu ngà phất phơ trong gió. Ít ra cũng có kẻ khùng. Như tôi. Co ro, vội vã bước lên cho kịp người đi trước, tôi cất tiếng chào hỏi:

– Cũng đi làm về trể hay sao?

Người lạ quay lại. Ðó là một người đàn bà da trắng còn trẻ, ngoài ba mươi là cùng. Khuôn mặt dễ nhìn. Chỉ làn da trắng bệch, và đôi môi hơi tím phần vì lạnh, phần vì phản chiếu từ ánh đèn vàng hiu hắt. Ðôi lưỡng quyền cao làm cho đôi mắt đen sâu thêm chút đỉnh.

– Chào ông.
– Cô làm ở bệnh viện?
– Cứ cho là như vậy đi.

Người đàn bà đáp hững hờ, quay đầu tiếp tục rảo bước. Tôi e dè. Có lẽ đây là một trong những nhân viên y tá, không thích sự sỗ sàng của một người bác sĩ như tôi. Ðược dăm bước tôi lại gợi chuyện:

– Cô…
– Yes.
– Tôi đã gặp cô chưa?
– Tôi nhớ ra rồi. Ông là người rất thích đọc sách.
– Sao cô biết?
– Tôi đi ngang thấy.

A. Tôi chưng hững. Một phần đời sống riêng tư của mình có người biết đến.

– Ông đọc những gì?
– Ðủ thứ. Còn cô, cũng là người thích đọc sách?

Tôi nghĩ đến những người con gái đã gặp, đi đọc sách chùa ở tiệm sách Borders mỗi cuối tuần.
– Vâng. Chút chút thôi.
– A ha…Chuyện gì đáng nhớ mà cô đã đọc qua?
– Hum…
Kẻ đối diện ậm ừ miễn cưởng.
– Ông muốn biết?
– Nếu được. Dầu gì thì đường cũng còn dài, chưa đến nhà cô chứ?
Ðảo mắt nhìn những ánh đèn vàng hiu hắt chung quanh, tôi nghĩ đến quãng đường về nhà mình thì đúng hơn. Còn phải qua một khoảng công viên rộng, um tùm những cây cổ thụ, tôi mới ra khỏi khuôn viện bệnh viện. Thêm hai khoảng đường qua dãy nhà lưa thưa, tôi mới về đến khu chung cư quen thuộc. Ở đó, không biết người lính gác có chờ tôi như mọi ngày, chào đón bằng một câu đùa quen thuộc: “- By yourself again tonight, Doc?”. Một lời chào đón điểm mức tới của tôi sau hơn hai dặm đường dài lội bộ mỗi ngày .
Người đàn bà nhỏ nhẹ:
– Chuyện một văn sĩ Tây Ban Nha viết về một người đàn ông…
– Và một người đàn bà?
– Không. Một con thú. Tại sao lại luôn luôn là đàn ông với đàn bà?
– Ðó là một câu chuyện dài nhất mà người ta đã tốn không biết bao nhiêu chữ nghĩa. Hơn nữa, tôi yêu những chuyện tình. Những chuyện tình đẹp…và dở…như nhau.
– Ông hãy để tôi kể… Có một người thợ săn, đi săn một con báo. Ông ta thức từ đêm nầy qua đêm khác. Cho đến đêm thứ bảy thì ông ta đã mỏi mệt. Khi ấy có một người con gái thật đẹp đã đến với ông ta. Hai người đã cùng nhau sống ba đêm liền hạnh phúc.
– Rồi những gì xảy ra trong đêm kế tiếp?
– Ông thiếu kiên nhẫn lắm!
Như một người mẹ, nàng nhếch đôi lông mày, nghiêng đầu nhè nhẹ. Tôi, đứa con trai nhỏ, chột dạ. Trong chiếc mũ trùm đầu, không gian thu hẹp lại vào khoảng công viên trơ trụi lá về phía trước. Tôi có thể mường tượng đến nỗi cô độc của người thợ săn tội nghiệp kia, một mình trong rừng vắng.

– Ðêm ấy người thợ săn nghe một tiếng súng lớn. Cô gái hình như đã bị trúng đạn vào tim chạy lão đảo dưới ánh trăng rồi lao đầu vào một hồ nước lớn. Người thợ săn nhảy theo người con gái. Khi ấy ông ta nhận thấy ra sự thật là con báo mà ông ta đang theo đuổi và người con gái chỉ là một.

– Ngụ ý của câu chuyện?
– Tôi để ông suy nghĩ.
– Huh…

Im lặng. Ðêm lạnh buốt. Chúng tôi lầm lủi trong bóng tối. Bước chân tôi sột soạt, bước chân người bạn đường nhẹ nhàng lướt đi trên tuyết. Tiếng gió nhè nhẹ rít qua những cành cây khô trụi lá. Chúng tôi vừa ra khỏi khuôn viên bệnh viện. Tôi kéo chặt khăn quàng cổ. Bỗng dưng tôi thèm nghe tiếng ve sầu nỉ non, một vài tiếng chim cú đi ăn đêm, hay một vài con chó, hay mèo hoang lang thang đi tìm bạn nửa khuya.

– Còn ông?
– What?
– Ông đã đọc những truyện gì cho là đáng nhớ?
– Tôi đang nghĩ đến một câu chuyện dự định sẽ viết.
– A ha. Ông viết chuyện? Tôi nghĩ là khó lắm.
– Cái khó là tìm chủ đề làm sườn của câu chuyện, còn sau đó mình muốn vẽ rồng hay vẽ rắn thì cũng dễ thôi?
– Ông nói như một văn sĩ.
– Thú thật tôi chưa bao giờ cầm bút cả. Tôi không có tham vọng làm văn sĩ. Tôi chỉ muốn nói lên những điều tôi suy nghĩ. Viết ra, rồi đọc lại cho chính mình. Cái thú như được làm tình. Với chính mình…
Tôi dừng lại. Mình hơi quá trớn. Người bạn đường có lẽ không phiền, lại khuyến khích:
– Ông hãy kể tôi nghe chuyện của ông đi.
– Tựa đề của câu chuyện là “Người đàn ông giác ngộ cuối cùng”
– Tại sao lại như thế?
– Cô thiếu kiên nhẫn lắm!

Tôi trả thù. Người khách im lặng. Tôi ân hận im lặng nhìn hơi thở của mình quyện thành khói, đọng lại thành những giọt nước rĩ trên môi lành lạnh.

– Chuyện về một người đàn ông khi qua đời, có những thiên thể có cánh đến và nói với ông ta rằng ông ta là người cuối cùng tồn tại trên thế gian nầy. Nói cách khác nếu Adam là người đầu tiên thì người nầy là kẻ cuối cùng. Vì là kẻ cuối cùng trên thế gian, cho nên những người đã giác ngộ, đã biến thể qua một thế giới khác phải tạo cho anh ta một thế giới gồm toàn ảo ảnh, trong đó gồm cả vợ con của anh ta. Hy vọng rằng anh ta sẽ giác ngộ để người ta có thể đóng cửa thế gian nầy để đi tạo một thế giới khác.

– Ông giàu tưởng tượng lắm!
– Cám ơn!

Tôi nhìn lướt qua một vài khung cửa, những ánh đèn màu xanh đỏ chớp nháy từ những cây Noel lọt ra ngoài. Ở trong đó, có những cuộc đời đóng khung chữ nhật. Một gia đình, vợ chồng con cái, với nhau trong một bức tranh màu sắc. Tôi không rõ có bao nhiêu cuộc đời đóng khung như thế được xem là hoàn hảo. Ðiều tôi biết, bây giờ, chỉ có tôi với cuộc đời mình, ở ngoài nầy với đêm đen đường như vô tận, một mình một nỗi cô đơn. Người khách vẫn nhẹ tênh trên đường tuyết nhấp nhô. Thỉnh thoảng, nàng quay đầu nhìn những ánh đèn mờ trải xuống vuông vức trên những hiên nhà vắng lặng, tỏ vẻ e ngại, pha một chút hoảng hốt:

– Tôi muốn biết người ấy nghĩ gì?
– Ah, hắn ta khóc tức tửi đòi trở về với thế giới ảo ảnh ấy. Người ta bảo đây là lần thứ ba người ta phải anh trở về, sống lại từ đầu vì chưa giác ngộ.

– Ngụ ý của câu chuyện?
– Tôi để cô đoán.
Tôi tàn nhẫn trả thù. Một lát tôi lại ân hận.

– Thực ra tôi chỉ muốn nói rằng tôi không biết khi tôi chết, có một thế giới bên kia hay không. Ðiều quan trọng là tôi đang sống, vì thế, tôi phải sống cho trọn vẹn, để cuối cuộc đời nhìn lại tôi sẽ không tiếc. Kinh nghiệm hằng ngày cho thấy người y sĩ chúng tôi chỉ kéo dài cái chết chứ không phải cứu lấy sự sống. Cái gì bắt đầu thì phải kết thúc. Vì thế không có gì quý giá hơn giá trị của cuộc sống từng ngày. Hơn nữa, theo tôi sự sống không mất đi bằng một cái chết đột ngột, mà bởi những cái chết nho nhỏ ngày qua ngày, tích lũy lên nhau, có đúng không?… Giả dụ tôi có thể sống lại một lần nữa, tôi sẽ sống như tôi đã sống… Thế thôi.

– Bây giờ ông là một triết gia.
– Không đúng hẳn. Tôi chỉ muốn sống như một người bình thượng Sự hiện hữu của tôi là hữu hạn trên con đường dài vô han… Cô biết không, mỗi sáng tôi đón chào một ngày mới bằng một ly cà phê nóng, để thấy mình hạnh phúc được sống thêm một ngày nữa…Còn cô?
– Tôi không như ông. Tôi đã sống và tôi đã tiếc. Tôi mong lần sau gặp lại tôi sẽ hỏi ông thử là ông đã thay đổi ý kiến chưa?

Chúng tôi sắp ra đến đường cái chính. Tôi đã thấy ánh đèn đường sáng lấp loáng sau rặng cây thông rậm lá. Quẹo trái ở cuối đường, thêm vài trăm thước, lên ba từng lầu, cuối một hành lang, tôi sẽ tìm thấy chăn nệm ấp áp quen thuộc.

– Khi nào tôi sẽ gặp cô lại?
– Tại sao ông vội thế? Già Carlos chẳng bảo ông là để dành ngày mai hay sao? Trước sau gì thì chúng ta cũng biết nhau thôi. Biết từ trong ra ngoài, từ hai buồng phổi lạnh trơ, một nảo bộ giờ đây vô tri vô giác, đến những mạch máu giờ đây khô cạn, có phải không ông?

Gió lại nổi lên ào ạt. Dưới ánh đèn đường chợt sáng bóng người đàn bà giờ đây tan loãng dần trong bụi tuyết. Những lời nói mĩa mai sắc lạnh, vang vọng trong tiếng gió rít rì rào trên cành như thể dược phát đi từ óc tưởng tượng trong khung sọ của chính tôi mà thôi. Dưng không, tôi thấy mình ngơ ngác trong lòng con đường nhỏ. Hai bàn tay co quắp, quơ cào trong túi áo khoác rộng. Ðôi chân cuống cuồng bước vội. Tuyết quẫy động dưới mặt đường. Tuyết xoáy cuộn không gian. Có phải mình là người giác ngộ cuối cùng đang sống trong cõi tạm nầy, tôi không biết, nhưng tôi chắc rằng tôi nghe rất rõ lời chào đón quen thuộc của người lính gác ở cuối đường:

– By yourself again tonight, Doc?

Chỉ có một mình tôi sao? Lại chỉ có một mình tôi! Vì ngoài kia, tất cả là ảo ảnh đang tan biến vào không khí, bụi tuyết mù khơi.

Next Post

Previous Post

© 2024 Vũ Thư Nguyên

Theme by Anders Norén