Vũ Thư Nguyên

Y là Nghề, Văn, Thơ, Nhạc là Nghiệp

Hình Như …Anh Ðã Yêu Em

9513860a5e26c9.img

 

1.

– Hân ở gần đây thôi…

Câu nói vô tình đã bươi móc một nỗi xốn xang nào đó từ trong sâu thẳm. Tuấn đã chôn chặt, thật sâu, thật kỹ, theo ngày tháng dần qua những háo hức, những bâng khuâng của một thời. Cũng cám ơn ai đã dở nắp hầm và lôi nó ra ánh sáng để cho anh có thể ngồi khám xét nó, lật từ mặt trước ra mặt sau, mổ xẻ từng cơ quan bộ phận bên trong, phân giải và định bệnh.

Tuấn không biết mình buồn, vui, náo nức, hay tất cả. Tưởng tượng ra cảnh sẽ gặp lại Hân chiều nay. Chiều nay…

Hôm qua vừa bước ra khỏi tiệm đổi tiền ở đại lộ Choisy Tuấn đụng ngay một thanh niên cỡ tuổi mình đang băng ngang qua đường. Ðổi tiền ở phố Tàu hay phố Việt thường được giá hơn ở phi trường, người ta dặn dò Tuấn như thế.

Người đàn ông trẻ ấy, hình như anh đã gặp ở đâu rồi thì phải. Không lẽ là hắn? Mập hơn một tí. Thêm bộ râu mép. Hắn tới gần, săm soi khuôn mặt của Tuấn, rồi nắm lấy vai anh lắc mạnh:

– Trời đất Tuấn Anh, mi làm gì ở đây?

– Hoàng. Tống Mạnh Hoàng?

– Xém tí tao nhìn không ra mày. Tụi “12 Bê Bối” tao gặp cũng nhiều. Trừ có mày. Biệt…

Chữ “biệt” kéo dài, trách cứ.

Từng giọt cà phê rơi đều rồi vỡ tan trên mặt sữa ở đáy ly hoà thành màu nâu đục, dâng lên từ từ, từ từ…

– Hút thuốc không?

– Bỏ lâu rồi

Móc một điếu thuốc. Gói Dunhill quăng lên mặt bàn, còn trớn, trườn về phía Tuấn, cám dỗ.

– Hồi bên đảo, thất tình mày hút Dunhill tối ngày?

– …

– Mới ly dị Hải.

Từng giọt cà phê vẫn rơi đều rồi vỡ tan trên mặt sữa ở đáy ly hoà thành màu nâu đục, dâng lên từ từ, từ từ…cứ như những buổi chiều lộng gió ngày nào, đã từng chân trần đì thụt lùi trên bãi biển để nhìn những ngọn sóng dâng tráo xoá nhoà dấu chân mình trên cát. Ngày đó không hiểu sao lại yêu Hân si dại, bỏ ăn bỏ ngủ, và chỉ hút thuốc tối ngày. Cho dù Hân lớn hơn Tuấn đến 5 tuổi. Hân là thần tượng, là tất cả. Những buổi đi chơi biển chung với mọi người, Tuấn đã chọn những bài tình ca hay nhất để hát, chủ ý để cho Hân nghe mà thôi. Chỉ được Hân khen một tiếng là quên cả ăn, lẫn ngủ.

Hân lại yêu Hải.

Năm ấy Hải khoảng độ tuổi của Tuấn bây giờ, tỏ vẻ là một tay bặt thiệp, hào hoa, cựu sinh viên trường Luật. Tuấn chỉ thấy mình yếu kém hơn Hải nhiều. Gọi Hải bằng anh, nhưng lại ngại phải gọi Hân bằng chị.

– Nghĩ gì thế hả, Tuấn Anh? Chưa có trễ đâu!!!

– Bậy.

Nhặt gói thuốc. Một phản xạ từ trong tiềm thức, Tuấn mồi thuốc.

– Ðừng chống chế! Mày hút thuốc trở lại rồi..

– Giỡn. Mày nói có gặp nhiều đứa bạn cũ?

– Trời đất, coi cái bộ mày cầm điếu thuốc trông giống như thằng con nít mới tập hút. Còn biết hút thuốc đó không cha?

– Ðã sao? Bạn cũ?

Xoay điếu thuốc trong ngón tay, xoay đề tài. Khói thuốc thật lạ, và thật quen như ngày mới “quen” Hân.

– Thằng Tài. Tài Hoa Liễu đó, nhớ không? Cũng ở gần đây. Còn nhớ con Hằng Cận hay hát cặp với mài không? Bị tụi tao chọc là “ vết Hằng trên lưng thằng Tuấn” đó. Thằng chồng làm Tiến Sĩ Kinh Tế, lớn hơn nó đúng một giáp, cưng vợ hết mình.

Nhớ Hằng chứ, nữ sinh Lê Văn Duyệt. Anh chỉ gặp Hằng ở những buổi văn nghệ liên trường Hồ Ngọc Cẩn- Lê Văn Duyệt. Lần đầu, Tuấn và Hằng hát song ca “solo” trong bài hợp ca Bạch Ðằng Giang. Bài hát được thắng giải văn nghệ liên trường. Sau, “ tám mắt nhìn nhau trào máu họng” tiếp tục nổi tiếng với những bài như “Chiều Trên Phá Tam Giang”, “ Em Hiền Như Ma Soeur” …

– Thằng Hồ Tuần Minh sắp lấy Tiến Sĩ Hoá Học ở UCLA bên Mỹ. Mày còn nhớ xưa hắn thề lấy cho được giải Nobel. Bây giờ thì khác, chỉ muốn lấy vợ thôi. Còn mày, vợ con gì chưa?

Hoàng dừng lại một cách đột ngột.

2.

Tài lễ mễ bưng thùng rượu vào cổng.

Nhà Hoàng ở một khu ngoại ô ở phía Bắc thành phố Paris. Trên xe Hoàng nói, từ trung tâm thành phố, phải dùng một trong những cửa khẩu của vòng đai xa lộ để ra khỏi thành phố. Ðường vào nhà, chật, đủ cho một xe ô tô đi vào hay đi ra, nhưng khang trang, tường rào với những giàn hoa leo vàng, tím, dễ thương.

– Bưng giùm thùng rượu còn sau cốp xe đi cha!

Tài ra lệnh cho Tuấn, không buồn chào hỏi, cho dù đã cách xa gần đến 10 năm.

– Rượu làm gì?

– Xịn của Paris đó ông nội. Tao phải dạy dân Mỹ tụi bây uống rượu vang.

Lạ. Tuấn thành dân Mỹ vả Tài thành dân Tây hồi nào nhỉ?

– Rượu vang Cali được mùa nho ngon cũng ngon lắm chứ?

– Ấy, mày bị “đế cuốc” đầu độc rồi.

Hằng đến với chồng. Tráng người thấp, tròn như hột mít, khuôn mặt cũng tròn, diện thêm cặp kiến cận…cũng tròn luôn. Ðiều lạ là Hằng bây giờ không ốm và mảnh khảnh như xưa. Cô trông …tròn lẳng. Người ta nói vợ chồng giống nhau là cặp vợ chồng sống có hạnh phúc. Tuấn nghĩ thế, vì gặp Tuấn hai vợ chuồng cười toe toét:

– Tuấn đấy Tráng này.

– Hai ông bà trông…phúc hậu…tốt tướng

– Ối giời ơi, anh cứ nói vợ chồng tôi béo như nhau cho rõ ràng “dza`” minh bạch

Thích Tráng ngay. Hoàng khui chai rượu vang:

– “Vết Hằng trên Tráng” đầy Tuần ơi!!!

– Tôi biết tôi là thằng đỡ đạn cho anh đấy anh Tuấn.

Tráng đưa tay đầy gọng kính trên sóng mũi tẹt, khụt khịt lỗ mũi làm bộ như sắp khóc.

– Hân đâu? – Tuấn hỏi

– Tuấn qua đây là vì cô ấy hả?

Sút một trái banh thẳng vào lưới, Hằng hỏi. Tuấn lúng túng:

– Ði công chuyện làm ăn

– Tháng trước Quân cũng nói với tụi này như thế!

Chuyện là Quân, một bạn học khác cùng lớp, tuy nay đã có vợ con, khi nghe tin ngườì yêu cũ đang bị chồng phụ bạc, đã bỏ công chuyện làm ăn, bay từ D.C. qua để gặp lại người xưa. Câu chuyện lại dược đám bạn cũ mổ xẻ về sư sai trái của đôi bên. Tuấn nhắm rượu vang, im lặng theo dõi câu chuyện. Càng uống, càng ngọt.

Hân đến.

Trông Hân đứng đắn, ra vẻ mệnh phụ hơn 10 năm về trước. Kèo ghế, Hân ngồi xuống cạnh Tuấn.

– Tuần vẫn khoẻ

– Vâng.

Kỳ thật. Không có cái cảm giác hồi hộp hay sợ hãi như mình đã tưởng tượng suốt ngày hôm nay. Hân vẫn thế. Vẫn như bao nhiêu người đàn bà khác mà Tuấn đã gặp. Tối thiểu là qua cung cách của những phút đầu tiên. Không phải lả Hân không đẹp hay ít quyến rũ hơn xưa, mà ngược lại, từ Hân, Tuần cảm nhận một nét quyến rũ rất quý phái. Mặt khác, có một điều gì hơi thất vọng và đổ vỡ trong Tuần.

Vỡ.

Tiềng động của thuỷ tinh hay mảnh sành, vỡ toang trên sàn nhà bếp vọng ra ngoài phòng khách.

– Mày làm gì quăng chén bát vậy, Chút!

Hoàng vói vào trong. Tuần đứng dậy:

– Ðể tao vào xem.

Người con gái, lưng ong, thắt chiếc tạp dề trắng dùng làm bếp, đang lúi cúi nhặt những mảnh vỡ của chiếc ly trên sàn.

– Cẩn thận em. Cần gì đề anh giúp.

Tuấn đỡ cô gái đứng dậy, đảo mắt tím cái chổi.

Dưng không, một cảm giác quen thuộc chợt len nhẹ vào lòng. Ðã có một lần anh đã ẵm một bé gái khi em đánh rơi và làm vỡ chén cơm năm nào. Lần khác, bế em lên khi em đứng gần bếp lửa. Những hình ảnh quen thuộc lấp lánh trên những mảnh thuỷ tinh, ráp nối lại như một trò chơi ráp hình của con trẻ.

Cúi xuống nhặt những mảnh vỡ lớn vương vãi trên sàn như nhặt lại những mảnh vỡ lưu lạc bao năm trong khoảng trống của hồn mình. Khoảng trống linh hồn, hoang tàn, bỏ hoang của người tình phụ. Những vết chém, những vết rạn nứt tàn phá cõi tâm linh mà mình cố bám víu lấy, cố giữ lấy trên đường chạy trốn chính mình. Mười năm. Thời gian mất hẳn ý nghĩa của buổi ban đầu. Mười năm. Lúc nào cũng mường tượng người tình quanh quất đâu đây. Mười năm. Mang hoài tình yêu không hy vọng, hồn kiệt quệ. Mười năm. Chạy trốn vòng quanh quả đất. Con đường đào thoát cuối cùng phải trở về điểm khởi đầu của nó, để nhìn lại chính mình. Vòng tròn đã khép kín. Sự lãng mạn một thời đã giãy chết. Sự đau đớn ê chề tứ thân trong cơn ngu muội, một thuở cuồng điên, đã qua, kết thúc một tình yêu lãng mạn, kỳ quặc.

Ðứa trẻ đang cầm quả tim mình nóng và máu trong hai bàn tay trắng, của điểm khởi đầu mới.

– Em làm gì để các chị phụ cho nào. Hân ơi, vào đây với mình, phụ em nó một tay.

Giọng Hằng đon đả, đẩy đưa.

3.

Ông tổ phụ của Hoàng là người Minh Hương đến lập nghiệp ở Bến Nghé. Tuy mang họ Tàu nhưng Hoàng đích thị là Việt Nam Nam Kỳ Quốc.

Hoàng và Tuấn chơi thân với nhau từ năm lớp 9. Tuấn thường đến nhà bạn học bài chung hay tập văn nghệ. Có khi ngủ lại qua đêm là thường. Hồi đó Hoàng Vi hãy còn bé, nhỏ hơn Hoàng và Tuấn đến 9 tuổi, tối ngày đòi kẹo, khóc nhè hay chơi nhảy dây, nhảy ô với các cô bé tí khác. Nhiều lúc con bé làm ồn Tuần và Hoàng thường hay lén cú đầu con bé. Tuy thế, vì không có chị hay em gái, Tuấn coi Hoàng Vi như em. Cô bé đòi gì anh cũng nuông chìu. Khi thì cà rem, lúc cõng cô ra vườn hái mận. Có khi cô nghịch trong bếp, Tuấn cẩn thận bế em ra ngoài và không quên…cú nhẹ đầu con bé…cho nhớ.

Qua đảo, Tuần gặp lại hai anh em, bố mẹ Hoàng còn kẹt ở Việt Nam. Năm ấy Hoàng Vi khoảng độ 11 tuổi, nhưng đã giỏi giang, biết phụ Hoàng lo nấu cơm, và công việc lặt vặt. Hân vẫn thường đùa bào Tuấn nên đặt cọc Hoàng Vi là vừa. Tuấn giận tím mặt. Vi với Tuấn bao giờ cũng là em gái, mà thôi.

Hồi sáng, khi theo Hoàng về nhà, một cô gái từ trong nhà chạy ra mở cửa. Tuấn bỡ ngỡ, không tin được ở mắt của mình đó chính là Hoàng Vi của mười năm về trước. Vi bây giờ là một cô gái thật đẹp, khuôn mặt có nét phảng phất như những cô tài tử Hồng Kông, hơi cao so với tầm vóc người Việt Nam, nhưng không thô, cân đối, đầy đặn và nở nang.

– Thưa anh…

Cô bé chào, hơi bẽn lẽn vì có mặt “người lạ”.

– Chút, còn nhớ anh Tuấn không?

Hoàng ra bộ anh Hai.

– Nhớ…Hồi đó anh ốm và…thấp hơn bây giờ

Cô đáp nhỏ nhẹ rồi quay qua Hoàng, gắt gỏng:

– Ta lớn rồi mà cứ kêu Chút…Chút…hoài à!

– Mấy bữa anh kêu Chút sao không nói? Lắm chuyện. Ði rót nước đi cô nương!

Hoàng cười xoà. Tuấn hiểu ý, chờ Hoàng Vi quay gót vào bếp, nói nhỏ với Hoàng:

– Nó lớn rồi…

– Nội mà canh mấy thằng con trai tối ngày cứ lảng vảng ngoài ngõ cũng ứa cơm!

Tuấn hiểu cái khó của Hoàng, vừa làm anh mà phải vừa thay cha mẹ để nuôi em.

Vi rót nước rồi ngồi xuống yên lặng. Hoàng cũng yên lặng hình như hắn cạn đề tài, xin phép đi vào phòng tắm. Tuấn cố gợi chuyện:

– Vi lớn ghê đi, anh nhìn không ra rồi đó!

– Dạ…

– Nghe nói Vi tính học Y Khoa phải không?

– Dạ….

– Học Y Khoa cực lắm, thôi Vi học nghề khác đi…Ðời mình sẽ vui hơn nhiều

– Dạ…thích…

– Thích sao?

– Vi thích làm được một điều gì đó cho những người chung quanh

Thở nhẹ, cô bé hết dạ với thưa rồi.

– A ha!! Vi lý tưởng lắm

– Vi biết là cực, nhưng nếu hy sinh để người khác có hạnh phúc là vui rồi. Còn anh?

– Anh…

May quá, Hoàng đã trở ra, đề nghị giới thiệu nhà của hắn, kịp thời cứu Tuấn ra khỏi chỗ bí. Vi theo Hoàng và Tuần ra ngoài vườn. Trong vườn trồng nhiều loại hoa cúc, thược dược và nhiều thư hoa sặc sỡ khác mà Tuấn cũng mù tịt, không biết là loại hoa gì, chỉ biết là đẹp:

– Ai trông hoa mà đẹp thế này

– Vi.

Vi trả lời có vẻ hãnh diện lắm. Tuấn để ý trong Vi vẫn còn nét hồn nhiên của Vi ngày trước. Ở giữa vườn có một ghế xích đu nhỏ đủ hai người ngồi. Tuấn hỏi:

– Ghế này “cũng” của Vi phải không?

– Chứ không lẽ của tao? – Hoàng xen vào.

– Chị Tuyết và anh Hai cũng ngồi đây nữa mà! – Vi trả đũa.

– Có im không Chút. Tao cú lủng sọ bây giờ.

Hoàng co ngón tay như sáp cú em gái, vừa doạ, vừa đùa. Vi ôm đầu, co rút cổ, tránh né, trông vừa khổ sở, vừa tức cười.

– Con bé em tao nó thi sĩ lắm mày ạ. Nó thường ngồi đây, làm thơ rồi “ gửi gió cho mây ngàn bay đó”

– Vi biết làm thơ? Anh tưởng Vi quên hết tiếng Việt rồi?

– Biết. Anh Hoàng dạy cho.

Ðến một gốc cây mận, Hoàng nhắc:

– Khổ lắm tao mới tìm được giống cây này về trông đó. Mày có nhớ cây mận sau nhà không?

Dưng không, không hẹn, cả Vi và Hoàng đều đỏ mặt. Tuấn vẫn thường cõng Vi hái mận ở vườn sau nhà.

4.

Bữa rượu còn tiếp tục ồn áo không thôi, mọi người vui phút giây hiện tại.

Không ngờ là tại sao mình có thể bình tĩnh như thế. Anh cầm đàn và Vi đệm dương cầm, hát lại từng bài nhạc anh đã từng hát cho Hân nghe, với lời giải thích cụ thể từng trường hợp, và tại sao, hát như thế.

– Không ngờ ngày đó Tuần mê mình đến thế?

Tại sao Hân không biết? Trong khi Tuấn chỉ biết là Tuấn yêu Hân, tình yêu ngày càng xé nát tâm não và thân thể, chẳng thể làm gì ngoài sự băng hoại, rã rời. Ngày trẻ tuổi, lớn lên, làm sao biết được trái tim và lý trí của mình? Hân lặng lẽ như đoá hoa vàng, xinh đẹp, không nói, giữ mãi niềm tin của Tuần trong câm lặng, không trao, để cuộc sống của Tuấn âm thầm lên xuống như thuỷ triều mỗi ngày trên những vách đá mỗi buổi chiều.

Ðã một lần ôm quả tim mình khóc nức, cuộc đời chẳng phải chỉ gồm những khổ đau? Từng cất tiếng hát để tự ru mình vào không gian vô cùng tịch mịch, muốn xa người, xa dần hoả ngục cơn mê tình ái, muốn nhảy thẳng vào một nơi chốn không biết, muốn chôn sống mình trong lòng người con gái bằng những ngày tháng tìm quên, và tự chôn sống mình bằng đối diện với hư không.

Tuấn đã từng yêu Hân hơn yêu chính mình. Ðừng tưởng rằng tình yêu ấy thánh hoá và lãng mạn ngông cuồng. Người đàn bà có cặp mắt, đôi môi và thân thể đó, những cảm xúc của muôn triệu tế bào tưởng làm sao quên được? Ðành mang những hình ảnh đó vê người con gái đã từng yêu, ra đi, làm người tình cô độc vả âm thầm sống. Tuấn, mệnh danh đó là sự lãng mạn của mình, sự lãng mạn người đời không thể nào hiểu được.

– Phải Hân. Tuấn không ngờ mình từng yêu Hân đến thế!

Ðêm tàn và những bài ca, một thời cho Hân, cũng cạn..

5.

Tuấn đến trong Vi từ những kỷ niệm của thời thơ ấu. Tuấn là dấu chứng của những ngày tháng êm đềm ở Việt Nam. Rồi những ngày tháng ở đảo, Vi đã biết…Tuấn vì những lúc anh ồn ào, biết…buồn với Tuấn vì Tuần chẳng khác đám con trai đang chạy theo Vi bây giờ, tập yêu đương, tập làm người lớn. Người đàn ông nào cũng phải qua một giai đoạn trưởng thành nào đó. Tuấn bây giờ cũng dí dỏm, cũng hoạt náo, cũng buồn vui bất chợt nhưng nhiều suy tư và trưởng thành hơn nhiều. Trong Tuấn, Vi đã thấy nét chững chạc của một người đàn ông, có thể che chở, và sẵn sàng chia sẻ những buồn vui. Vi vẫn nể và thương mến Tuần như một người anh ruột, như Hoàng. Nhưng Tuấn cởi mở, ít nghiêm khắc và có vẻ hiểu biết tâm lý con gái hơn Hoáng.

Tắm xong, Vi đứng ngắm mình trong tấm gương soi. Gần đây những lúc rỗi rảnh, Vi thường ưa ngắm mình trong gương, có khi cả giờ mà không biết chán. Vi thích trang điểm. Nhiều khi dùng chì vẽ mắt, tô đậm vành mi cong, rồi không hài lòng lắm, rửa đi và vẽ lại cả chục lần. Vi ít đánh phấn, chỉ một lớp mỏng là đủ đẹp vì làn da còn trẻ và mịn màng. Cò đôi môi, một màu son nhạt, phớt hồng. Ðôi môi này Vi chưa hôn ai, và chưa được ai hôn cả. Nhìn thân thể nở nang, đầy đặn của mình trong gương, Vi thầm khen mình đẹp. Vi biết mình đẹp vì có hàng tá con trai theo đuổi hằng ngày. Những khuôn mặt của những thằng con trai “ sữa” đó chỉ làm Vi vui trong giây phút, nhưng không đủ làm con tim rung động. Vi vẫn nghĩ so với lứa tuổi, Vi trưởng thành về suy tư nhiều trước tuổi mình. Vì thế các bạn trai cùng lứa tuổi, với Vi, là “con nít”. Lúc đầu thì thích, dần dần đâm chán những cú điện thoại tỏ tình lảm nhảm của những tên con trai ngơ ngáo đó. Vì thế Vi xin Hoàng dấu số điện thoại của mình, không có trong sổ niên giám. Vậy mà mấy ngày nay, Vi lại trông chờ điện thoại. Của Tuấn.

Hôm cuối tuần, lần đầu tiên Vi thấy vui vì có Tuấn, và Vi cũng biết buồn vì thấy Tuấn buồn. Mấy hôm sau, mỗi ngày Tuấn đều gọi cho Vi, nói chuyện cả giờ, ôn lại chuyện của những ngày tháng cũ. Ba hôm nay, Tuấn không gọi nữa. có lẽ anh bận? Hay có chuyện gì không hay xảy ra cho Tuấn? Vi lo lắm. Trời ơi, tại sao Vi lại nhớ lại mong.

Tại sao vậy? Tại sao?

6.

Hôm Tuấn trở lại là buổi sáng thứ bảy. Tuần bước vòng ra sau vườn vì không thấy Vi ra mở cửa. Anh bước nhẹ, rồi dừng lại, lặng nhìn Vi đang đăm chiêu suy nghĩ trên chiếc xích đu. Không muốn phá rối sự yên lặng của Vi, anh đứng khoanh tay nhìn Vi, yên lặng. Một đỗi, trông Vi như một triết gia, Tuấn bật cười nhỏ:

– Anh Tuấn. Làm người ta hết hồn.

– Vi lại làm thơ nữa, có phải không?

– Ðâu có. Mấy bữa nay anh đi đâu, không thấy tới?

– Có chút chuyện. Hoàng đâu?

– Trưa ảnh mới về tới đây….A!! Anh có máy chụp hình. Vi cũng thích chụo hình nữa. Hình đen trắng, nghệ thuật đàng hoàng đó!!

Vi chợt reo lên khi thấy Tuấn mang máy chụp hình trước ngực. Chưa kịp trả lời thì Vi đã kéo tay anh:

– Ðây, lại đây. Có mấy cái hoa thật đẹp, để em chỉ cho anh chụp.

Vi tung tăng dẫn Tuấn đến giới thiệu từng đoá hoa. Hôm qua hình như trời bão hay mưa lớn, có mấy cánh hoa bị gãy đổ, Vi bực tức lắm, giậm chân lắc đầu hoài. Một bụi hoa cúc vàng mới nở., đoá hoa vàng rực, tươoi thắm, cánh hoa còn ướt đọng một vài hạt nước mưa, long lanh, thật đẹp. Thỉnh thoảng, một cơn gió sớm, nhẹ thổi qua, đoá hoa như run rẩy trong ánh nắng ban mai, sau cơn bão ác nghiệt đêm qua. Bất chợt một chú bướm đỏ đốm trắng, viền đen, bạo gan, bất chấp cả người lạ, bay đến đáp nhẹ trên đoá hoa. Hoàng Vi mừng rỡ, reo lên:

– Chụp. chụp đi anh!

Tuấn vội vã mở nắp ống kính, nhưng chú bướm bạo gan bây giờ chắc đã biết sợ, vội vàng cất cánh bay lên không. Vi ngơ ngác nhìn cánh bướm bay ngang, tiếc rẻ:

– Bay mất rồi. Bắt đền anh đó.

Vi vẫn thường nói thế với Tuần thuở lên chín, bên nhà. Tuấn ở chơi một lát định chờ Hoàng về, nhưng mãi vẫn không thấy. Vi nói Hoàng và Tuyết, hôn thê của Hoàng, dự định sẽ đưa Tuấn đi xem thắng cảnh ở Paris vào ngày mai. Anh bảo Hoàng Vi, hôm sau sau sẽ trở lại.

7.

Sáng Chủ Nhật Tuần trở lại nhà Hoàng. Hình như Hoàng đang sắp sửa ra khỏi nhà, gặp Tuấn ngoài ngỏ trông có vẻ vội vã:

– Xin lỗi mi nghe, tao phải đi gấp. Tuyết bệnh.

Vừa khi ấy, Hoàng Vi từ trong nhà bước ra, trong chiếc áo pullover rộng màu trắng và quần jeans xanh, trông rất gọn và xinh.

– Em đưa Tuấn Anh đi tham quan Paris giùm anh. Ðã mang tiếng “đi Tây” mà không thấy Paris thì còn gì là “đi Tây”

Vi có vẻ ngần ngại, không trả lời. Tuấn hiểu ý:

– Thôi để lúc khác vậy. Không thì tao mò bản đồ cũng ra thôi.

– Không lúc khác gì hết. Ði một mình buồn chết. Nó chưa chịu vì mày chưa hứa là nuôi cơm nó một bữa đó

Hoàng cười, nổ máy xe. Vi hỏi Tuấn:

– Anh thích đi không?

– Tuỳ

– Ði?

– Ừ.

– Ði.

– Ðói chưa? Ði ăn phở nhé. Tôi đã hứa là phải nuôi cơm cô ngày hôm nay đấy nhé!

Khuôn viên trường đại học Paris, Sorbonne, Panthéon, Tuần theo Hoàng Vi len lỏi qua những bày bán sách cũ cho sinh viên đại học. Buổi sáng đã có nhiều sinh viên lê la ở những quáng cà phê, bàn ghế bày ra tận vỉa hè. Người qua lại tấp nập. Anh chỉ kịp nghe Vi loáng thoáng:

– Trường đại học Sorbonne được thành lập bởi linh mục Robert de Sorbon dưới thời vua Louis 9, mở cửa vào năm 1253 để dạy thần học…

Anh đẩy cửa bước vào tiệm bán băng nhạc, Vi theo, đảo mắt trên các ngăn chứa nhạc

– Các bạn cần gì không? – Cô đầm bán hàng cười xinh.

– Băng nhạc của Richard Clayderman. – Tuấn trả lời.

– Anh là người Mỹ? – Cô đầm nheo mắt.

– Cứ tạm cho là như vậy, sao cô biết? – Tuấn tròn xoe đôi mắt.

– Cô ấy đánh hơi đấy! – Vi bấm nhỏ Tuấn.

– Chỉ có dân Mỹ mới tìm mua Clayderman khi tới Paris. Ông nầy đi trình diễn bên Mỹ được người ta ưa chuộng, nhưng ở Pháp, nhất là dân sinh viên Paris, thì không. Ngoài ra, nhìn cách trang phục của anh…Anh ở đâu?…Tôi muốn hỏi là thành phố nào?

– Miami.

– Thảo nào…

– Sao?

– Anh có xem Miami Vice không?

Tuần giật mình. Nhìn lại chình mình. Áo thun xanh, cổ rộng, trong áo vest và quần màu xám nhạt.

– Tôi không có súng và cocaine đâu!

– Không, cao bồi hiện đại …

Tuấn đỏ mặt

– Ý tôi muốn nói là cái TV show – Cô hàng đính chính – Ðây, A Comme Amour..

Ra khỏi tiệm, Vi dỗ Tuần:

– Dân Tây, nhất là Paris có chút dị ứng với “văn minh” Mỹ. Tại sao anh thích loại nhạc nầy.

– Anh thích nghe đủ thứ, kể cà cải lương, vọng cổ. Hồi sinh nhật của anh kỳ rồi, có cô bạn ở Miami cho anh một cái băng nhạc của Clayderman, anh thích nghe ông nầy đàn dương cầm.

– Ah..

Vi buông tiếng “ah” nho nhỏ, rồi im lặng. Im lặng tới cuối đường. Con đường Red Road ở Miami, hàng cây rợp che nắng hai bên đường, cũng nhạc Clayderman quà tặng sinh nhật. Nhìn những cặp nhân tình trẻ cặp tay đi qua, đi lại, nườm nượp trông rất hạnh phúc, dưng không, anh chợt nhớ Parrot Jungle, nhớ Dadeland shopping mall, nhớ biển Fort Lauderdale những cuối tuần đẹp trời.

– Bạn…gáí…thôi.

– Anh muốn đi đâu bây giờ?

Tháp Eiffel, người ta xếp hàng nối đuôi dài lê thê. Tệ hơn Disneyland. Tệ.

– Hôm nay đặc biệt. Vé vào cửa còn là vé xổ số nữa đó, anh.

– Thật à, trúng cái gì?

– Xe hơi.

– Nếu lỡ anh trúng?

– Cho em.

– Còn em trúng?

– Của em.

– Chút, không vừa thôi chứ!

– Vi!

– Chút!

– Vi!

– Chút

– …..

– Thôi được, Vi.

Ở quầy vé, Vi ngần ngại

– Anh lên một mình đi. Em chờ dưới nầy cũng được

– Tại sao thế?

– Em sợ…độ cao…

– Tại sao sợ?

– Một lần…một lần…anh cõng em và em chới với muốn té. Anh còn nhớ không?

Lần ấy Tuần chỉ kịp nắm chặt lấy đối chân của Vi, khi bé với tay hái quả mận và muốn té bật ra sau, rờí khỏi vai của anh.

– Lần này…lần này cũng có anh….mà

– Ai tin anh được? Có người …nào tin được anh không?

Trưa Sacré Coeur, thành phố Paris hiền hoà và êm đềm dưới chân đổi. Tuần ngồi bệt xuống chân một tàn cây cổ thụ, chờ Vi đi mua đồ ăn trở lại. Anh đã hỏi Vi có cần anh đi theo không. Vi bảo là không. Lạ. Người con gái có lúc tỏ vẻ yếu đuối cần sự chở che của người đàn ông, lúc khác lại biểu lộ bàn năng làm mẹ, muốn chính mình có thể làm bất cứ điều gì để che chở và săn sóc cho chính người đàn ông ấy.

– Có bành nè, ăn đi. Nhớ bồ phải không? Biết ngay mà!

– Con khỉ con. Ta cú lủng sọ bây giờ.

Tuần co tay, bắt chước Hoàng, doạ nạt. Vi đưa hai tay ôm đầu, co rút cổ. Tuấn ôm bụng cười sặc sụa. Anh móc túi giấy đua cho Vi con thú nhồi bông, mua ở hàng gift shop trong khi Vi đi mua đồ ăn.

Vi ngồi ôm con gấu nhỏ trong lòng, đâu hơi cúi, tựa cằm lên đầu con gấu, im lặng nhìn Tuấn liệng những mẫu bánh mì cho những con bồ câu. Có một đôi bồ câu, không ăn, vô tư lự đứng rỉa lông cho nhau trong bóng mát. Tuấn thầy Vi đẹp, thật đẹp và hơi ngộ nghĩnh. Sao thời gian trôi qua mau thế! Mới ngày nào đây Vi hãy còn là cô bé tí mà Tuấn ưa béo má hay thản nhiên béo lỗ tai, giờ đây đã là một thiếu nữ đẹp tuyệt vời. Cái đẹp làm Tuần phải ngại ngùng, phải dè dặt, phải thận trọng như bất kỳ một người phụ nữ nào khác. Vi đang biến đổi từ một thiếu nữ thành một người đàn bà.Vẫn tưởng là mình mến thương Vi như đứa em gái của mình. Vì Vi là một phần trong những kỷ niệm dấu yêu, những kỷ niệm mà anh hằng ấp ủ. Cái già thuyết trên đây, đề cố vin vào để bào chữa cho những cảm xúc, những rung động lạ thường, những lúc bên cạnh Vi như thế này hình như không còn đứng vững được nữa. Nếu nói rằng Tuấn đã yêu, thì có sớm lắm không? Có vội vã, có hồ đồ lắm không?

Tuấn không rõ. Dường như là tình yêu.

Trời đã về chiều, càng lạnh hơn, mưa phùn lại rơi nhé nhẹ. Vi và Tuần đi bộ dọc bờ sông Seine. Tuấn rủ Vi leo xuống khỏi mặt đường đi sát bờ sông, vì nơi nầy vắng người hơn. Con đường trải sõi, rào rạo theo từng bước chân đi. Họ đi vè phía cầu tàu. Mùi thịt nướng bay về đầu ngọn gió từ những hàng quán ở bến tàu làm Tuấn thấy đói bụng.

– Thèm cơm âm phủ và một tô cháo lòng.

Vi hỏi anh ý nghĩa của cơm “âm phủ”, Tuấn cũng mù tịt nhưng anh kể cho Vi nghe những kỷ niệm của ngày thơ ấu, hồi còn ở Bến Ngự, Huế. Những cái tên như Nam Giao, Vỹ Dạ, Gia Hội, hay Thành Nội đối với Vi như một huyền thoại nào xa xôi lắm.

– Hay mình về, kẻo Hoàng trông.

– Anh Hoàng chắc chưa về dâu. Còn lo cho chị Tuyết nữa…

Vi bỏ lửng. Tuấn hiểu. Vi trầm lặng, ra vẻ suy tư lắm. Cái nét hồn nhiên của một cô gái mới lớn hồi sáng đã nhường chỗ cho nét trang nghiêm của một người đàn bà. Vi bước thật chậm, Tuần chúi mũi giày vào sõi, từng bước, lặng yên không nói, không muốn cắt đứt sự suy tư của Vi. Trời chợt trở lạnh nhiều hơn vì những cơn gió nhẹ, mưua phùn lại thêm nặng hạt. Vi hơi run vì lạnh. Tuấn cởi áo, khoác lên vai của Vi. Anh nắm tay kéo Vi chạy vào dưới gầm cầu xa lộ bắc qua sông Seine để tránh mưa.

– Ngày mai anh đi Bỉ?

– Phải. Rồi về thẳng Miami.

– Có cần em đưa anh lên Ga Bắc không?

Gare du Nord. Gare Lyon đèn vàng. Paris của Cung Trầm Tướng. Cầm tay em muốn khóc. Nói chi cũng muộn màng. Em ơi khóc đi em, khóc đi em. Paris của Tuấn hôm nay.

– Noel anh có trở lại không?

– Không biết.

– Tết?

– Chưa chắc.

– Sang năm?

– Có lẽ

– Em…

– Em?

– Em…

– …

– …

Dưới ánh đèn đường lờ mờ, Tuấn thấy má Vi hơi ửng hồng. Trong khoảng không gian tối đó, Tuấn thấy Vi mỉm cười thật xinh. Anh thấy mắt Vi long lanh. Anh thấy mình đua tay vuốt nhẹ những giọt nước mưa trên má của Vi. Anh thấy anh hôn nhẹ lên mắt Vi, lên má Vi, rồi lên môi Vi, rồi tất cả dường như nhạt nhoà, nhạt nhoà trong mưa…

Anh rùng mình vì cái lạnh chạy dài trong xương sống. Tuấn se sẻ nắm lấy tay Vi siết nhẹ. Vi vẫn để yên trong tay anh, ấm áp. Mưa ngoài trời nhưng lòng anh ấm mãi…

“Anh vẫn cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em, anh vẫn gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay”

Như Nguyên (VTN)

Miami, tháng 12, 1985

Next Post

Previous Post

© 2024 Vũ Thư Nguyên

Theme by Anders Norén